Thời sự - Bình luận

Bằng mọi giá lo miếng ăn, sự an toàn cho công nhân mất việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án “một cung đường - 2 địa điểm” - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho CN, đó là quy định của TPHCM ban hành tối 13.7.

Những doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15.7. Cho nên, trừ những doanh nghiệp có điều kiện cho công nhân ăn ở tại nhà máy, còn lại đa số doanh nghiệp khác, chỉ trong một ngày 14.7, khó có thể đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Đối với những doanh nghiệp có đông công nhân, đi mua chiếu cũng không kịp, chưa kể các vật dụng khác phục vụ nhu cầu ăn ở sinh hoạt của hàng nghìn con người.

Còn thuê khách sạn cho công nhân ở và thuê xe đưa đón thì ít doanh nghiệp có thể bù đắp được chi phí. Cho dù có tiền thuê xe, thì vận chuyển hàng nghìn người từ khách sạn đến nhà máy đúng giờ để đảm bảo vào ca sản xuất là một thách thức không đơn vị vận chuyển nào dám cam kết.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng dự đoán sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp phải đóng cửa, đương nhiên kéo theo hàng vạn người lao động mất việc.

Như vậy, vấn đề đặt ra là cuộc sống của những công nhân mất việc, họ có được hỗ trợ gì không hay ngồi ở nhà chờ dịch qua. Với đa số người lao động, thu nhập vừa đủ sống, không có tích lũy, khó có thể cầm cự được khi không có việc làm.

Doanh nghiệp có đủ sức trả lương chờ việc cho người lao động không, dù có cũng không được 100% lương và chắc chắn không có mấy doanh nghiệp làm được.

Một thực tế khác, các nhà máy vì không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” nên phải đóng cửa, bảo đảm không lây nhiễm trong nhà máy. Quá đúng. Vậy thì có lây nhiễm bên ngoài nhà máy không khi cũng là những con người đó?

Công nhân ở các nhà trọ, thôn xóm, khu phố, có đảm bảo về phòng dịch hay không? Giả sử như một công nhân có F0, dù ở trong nhà máy hay trong cộng đồng, thì khả năng lây nhiễm cho người khác đều như nhau. Liệu họ có được xét nghiệm, được tiêm vaccine hay không?

Công nhân phải được tiêm vaccine để đảm bảo sản xuất, sản xuất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Công nhân trong nhà máy đang hoạt động thì dễ kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc và tổ chức tiêm chủng, công nhân thất nghiệp đi lang thang ai lo cho họ?

Tất cả câu hỏi trên đặt gánh nặng lên vai thành phố khi đưa ra những quyết định đúng đắn nhưng cũng vô cùng khó khăn.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bang-moi-gia-lo-mieng-an-su-an-toan-cho-cong-nhan-mat-viec-931215.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm