Để cân bằng đời sống, sống cho ra sống, sống một cách đàng hoàng đúng nghĩa, con người cần cả bánh mì và hoa hồng.
Mở một trang sách, tôi thấy giải thích như sau: “Nếu coi “bánh mì” đại diện cho những giá trị vật chất của cuộc sống thì “hoa hồng” ở đây tượng trưng cho những giá trị tinh thần của mỗi người. Chúng ta đều cần những điều kiện thiết yếu để sống, để phát triển bản thân. Không như hoa hồng, chúng ta không thể thiếu những điều cơ bản đó để tồn tại. Nhưng bánh mì chỉ đủ cho ta tồn tại, chưa hẳn có một cuộc sống no ấm là đủ cho tất cả, đủ cho niềm vui, đủ cho mái ấm gia đình. Để sống đúng nghĩa ta cần phải chăm chút cho cả tinh thần. Nuôi dưỡng tinh thần, chăm chút cho nó để cuộc đời chúng ta không khô cằn, không bị quẩn quanh trong những giá trị vô tình của vật chất. Sống hài hòa giữa vật chất và tinh thần có lẽ là ước ao của nhiều người bởi ai cũng tìm kiếm danh lợi và khát khao một chốn yên bình”.
Tôi đã gặp cả bánh mì và hoa hồng ở Gia Lai những ngày cuối năm này.
Không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) là điểm đến hấp dẫn với du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bánh mì
Liên tục trong những ngày vừa qua, huyện Ia Grai tổ chức mấy sự kiện: Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, Hội chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và, cái hội chợ nông sản này hết sức mới.
Chúng ta biết rằng, nguyên thủy, người Tây Nguyên không có chợ. Họ tự cấp tự túc, tự làm ra sản phẩm để tiêu thụ, có chăng là trao đổi bằng chính hàng hóa trong làng với nhau. Mà tôi đồ chừng nó như là cái kiểu tình cảm của người Kinh “bánh ít trao đi bánh chì nhận lại”, nhà ai có gì thì biếu nhà kia rồi được biếu lại. Nên cái chuyện một nhà trong làng có việc bà con gùi rượu tới, nấu cơm mang tới là bình thường.
Hôm gặp nhà nghiên cứu Chăm Trần Kỳ Phương ở Pleiku, hỏi ông về “con đường Chăm” qua Tây Nguyên, nghe ông nói về các di chỉ Chăm ở Tây Nguyên, ông giải thích về sự xuất hiện của chúng thì tôi ngộ ra, có thể nguồn gốc của chợ ở Tây Nguyên là từ người Chăm chăng? Những người Chăm đi buôn thường là những người rất thông minh, nhanh nhẹn. Và họ đi tới đâu thì lập trung tâm ở đấy, cả văn hóa và kinh tế. Các di tích Chăm chính là những trung tâm một thời, đa phần là các cơ sở tôn giáo.
Rồi đến ông Hai Trầu, tức Nguyễn Nhạc, một thương nhân có hạng của Bình Định và Gia Lai. Rồi những cuộc đổi chiêng, ché... của người Tây Nguyên với người Kinh đồng bằng và người Lào, người Mã Lai..., dẫu đổi bằng hiện vật nhưng bắt đầu có dấu hiệu của sự lưu thông hàng hóa. Người Tây Nguyên tài ở chỗ, họ biến những thứ không phải của họ, những thứ họ không làm ra, thành đặc trưng của họ, bản sắc của họ, của quý của họ. Chiêng và ché là như thế.
Nhưng những phiên chợ như của người Kinh tồn tại hàng ngàn năm nay thì họ chưa có. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trong một bài báo: Ngay ở TP. Pleiku, tới năm 1963, ngoài chợ chính (chợ Mới) thì cũng chỉ vài nơi người Kinh tụm lại buôn bán như chợ Nhỏ và một số chợ vệ tinh ở các huyện xung quanh như: Đức Hưng, Lệ Chí, Mỹ Thạch, Bàu Cạn, Lệ Cần... Chủ yếu là người Kinh buôn bán chứ bà con các dân tộc Tây Nguyên vẫn hàng đổi hàng.
Thế mà giờ, theo tôi được biết, Hội chợ nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ia Grai tổ chức đầu tháng 12 vừa rồi có tới 30 gian hàng của bà con các làng, chưa kể còn gùi đồ từ nhà ra bán rải rác. Hàng ngàn người tới dự, bà con mang ra thứ gì đều bán hết và còn bán được giá hơn. Có nhiều ý nghĩa được đặt ra từ những ngày này, nhưng tôi quan tâm tới một việc, ấy là bà con đã quan tâm và làm quen với kinh tế thị trường. Người Kinh nói thế, dẫu có chợ đã hàng trăm năm nay, nhưng khi bước vào kinh tế thị trường cũng vẫn đầy bỡ ngỡ. Giờ vẫn bỡ ngỡ.
Hôm khai mạc không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai”, tôi gặp cô bé HUyên Niê. Bạn này người Ê Đê làm dâu ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội, lấy chồng là bác sĩ ở Chư Păh, thế là khăn gói theo chồng, về làm cán bộ phụ nữ xã, nhưng cái chính là cô mở ra một hướng kinh doanh mới cho chị em ở đây: làm du lịch bằng nghề thủ công. Cô bảo: Em đưa nghệ nhân dệt ra đây, giờ đón họ về để chuẩn bị chiều khai mạc chợ phiên văn hóa, là cách cô gọi tắt Hội chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do huyện Chư Păh tổ chức.
Hoa hồng
Văn hóa chính là hoa hồng của đời sống. Nó làm cho cuộc đời bay lên, làm cho chúng ta yêu đời hơn, làm cuộc sống thăng hoa, cuộc sống có ích, sống nó ra sống, nó vượt lên trên sự tồn tại thông thường, hay như triết học nói, nó làm con người là người hơn, khác con vật.
Hai hội chợ tôi vừa nêu đều rất đậm đặc các yếu tố văn hóa. Thứ nhất là hàng hóa, những là thổ cẩm, thức ăn đặc sản. Và thứ hai là các sinh hoạt văn hóa. Là chiêng, là xoang, là dân ca... Và không chỉ thế. Trước đó một chút, lễ hội hoa dã quỳ, tuần lễ văn hóa du lịch.
Những người dân Tây Nguyên, tự lâu rồi, họ làm ra “hoa hồng” của họ. Những nghi lễ, những tập tục, những quy ước đời sống, những ứng xử người với người, người với tự nhiên... giúp cho con người sống an nhiên, hài hòa và thanh thản. Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Bài thơ đậm chất Tây Nguyên, đậm chất rừng, ám ảnh và vang vọng: “Không biết bằng cách nào lửa đã nhóm lên/Như không phải củi rừng đang cháy/Có gì đó trong đốm tàn hoa cải/Cứ bay lên làm nhẹ cả người ngồi.../Lửa ném tàn xua muỗi bay đi/Chỉ còn ta với tình rừng rộng rãi/Quàng vai bạn vô tình ta chạm phải/Cái cựa mình tin cậy của rừng đêm”.
Và thiên nhiên vĩ đại như cũng phụ họa với con người, ban cho con người những loài hoa. Không chỉ hồng, mà còn dã quỳ, xuyến chi... Không ai đụng vào, nó là tự nhiên. Con người ngó tới, một cách tích cực, thiện chí, nâng niu, hiểu biết... nó là văn hóa.
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngàn vạn năm, triệu năm như thế, dã quỳ vô tư vàng, vô cảm xanh, vô ích sống, vô dụng tồn tại... tới lúc, con người phát hiện, ôi đẹp quá. Chúng ta có lễ hội hoa dã quỳ, chúng ta phát hiện ra vẻ đẹp núi lửa Chư Đang Ya. Tất nhiên, để có những phát hiện như thế, con người phải trải qua hành trình dài. Sống, ngẫm ngợi, học hỏi, đam mê, đúc rút, bòn tỉa, chắt chiu... những vụn vàng thành quý hiếm.
Và giờ, bánh mì với hoa hồng song hành trong đời sống, dẫu chưa phải hoàn hảo, chưa phải bánh đã là bánh, hoa đã là hoa. Nhưng nó vẫn cho chúng ta hy vọng.
Giờ Tết, tràn ngập các loại hoa, từ hoa các vùng miền trong cả nước, tới hoa nhập ngoại. Nhưng trong tôi cứ thắc thỏm những thảm hoa dại vẫn đang điềm nhiên vô ưu đâu đó, trong gió, trong nắng, trong cái mùa chớm khô đang rất đẹp này. Nó cứ miên man, cứ bắt tôi phải yêu, phải nhớ đất này, từ những màu sắc tới vô ngôn như thế.
Cuối năm dương lịch, năm nào đó, tôi ngồi với 2 người bạn, 2 đồng nghiệp và viết bài thơ “Chiều cuối năm mưng mưng nắng”, 2 câu kết như này: “nào cuối năm, ta như người mang nợ/ân oán gì mà nắng cứ mưng mưng...”.
Vâng, cuối năm, tôi như vẫn mang nợ cuộc đời này, mang nợ bánh mì và hoa hồng...