Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhung nhớ độc mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dễ phải đến hơn chục năm kể từ lần gần đây nhất chúng tôi gặp những nghệ nhân đẽo thuyền độc mộc có tiếng trên quê hương Anh hùng A Sanh (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).

Lần gặp lại mới đây, chúng tôi không còn được họ chở trên thuyền độc mộc nữa nhưng lại được giới thiệu về mô hình thu nhỏ làm sản phẩm du lịch chế tác từ những đôi tay lành nghề.

Ngồi dưới bóng hàng điều mát rượi, già Rahlan Pêng (75 tuổi, làng Nú, xã Ia Khai) giới thiệu về chiếc thuyền độc mộc thu nhỏ trước mặt. Thuyền dài khoảng 1,2 m, chỗ rộng nhất của lòng thuyền chừng 20 cm.

Đúng với nguyên nghĩa của từ “độc mộc”, nó được chế tác từ thân cây sao xanh cỡ nhỏ-loại gỗ chuyên được chọn làm thuyền do đặc tính nhẹ, chịu nước, độ bền cao.

Già Pêng (bìa trái) và già Hmơnh bên chiếc thuyền độc mộc thu nhỏ. Ảnh: P.D

Già Pêng (bìa trái) và già Hmơnh bên chiếc thuyền độc mộc thu nhỏ. Ảnh: P.D

Già Pêng kể, tất cả quy trình đều không khác gì làm một chiếc thuyền thông thường, từ đục đẽo, khoét lòng thuyền, bào nhẵn mặt trong và mặt ngoài sao cho cân đối để thuyền không bị nghiêng, tiếp đến hơ qua lửa để nong rộng lòng thuyền và định hình lần cuối.

Chiếc thuyền tí hon này cũng được già Pêng thử hạ thủy. “Nó không khác gì thuyền lớn khi đưa xuống nước cả, chỉ có điều nó không chở được mình thôi!”-khuôn mặt già Pêng giãn ra với nụ cười tươi tắn.

Gần đây, già làm được 2 mô hình độc mộc thu nhỏ. Một chiếc được làng mua trưng bày tại nhà cộng đồng làng Nú như một cách neo giữ truyền thống, cũng là nhắc nhớ thế hệ con cháu đừng quên một dáng hình đã đi vào huyền thoại gắn với tên người Anh hùng A Sanh. Chiếc còn lại già tặng gia đình con gái, như một kỷ vật.

Cùng làng, già Hmơnh cũng là một trong những nghệ nhân đẽo thuyền kỳ cựu. “Trẻ” hơn già Pêng dù đã 68 tuổi, già Hmơnh vẫn còn rất nhanh nhạy và có sức làm việc khá bền bỉ.

Năm ngoái, già cũng đẽo 1 chiếc thuyền độc mộc thu nhỏ và được một người trong xã mua về trang trí hồ nước, tiểu cảnh với giá 1,5 triệu đồng.

Trước khi Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 diễn ra, chẳng chờ ai bảo, già Hmơnh tỉ mẩn ngồi đẽo 3 chiếc thuyền độc mộc tương tự để bày bán ở gian hàng của xã Ia Khai, khiến khách tham quan không khỏi bất ngờ, thích thú. Cả 3 chiếc sau đó đều đã bán hết.

Già Hmơnh trò chuyện: Nhiều năm qua, từ khi không còn được chặt cây to làm thuyền, ông và già Pêng thấy buồn tay buồn chân. Đến giờ, gia đình 2 ông đều không còn chiếc thuyền độc mộc nào do chúng bị hư hỏng theo năm tháng, bà con Jrai trong vùng nay chủ yếu đánh bắt cá bằng thuyền máy.

Do vậy, 2 nghệ nhân nghĩ ra cách làm mô hình thu nhỏ để vừa đỡ nhớ, vừa “làm kỷ niệm để con cháu hiểu hồi xưa làm thuyền độc mộc như thế nào”, hoặc bán như một sản phẩm du lịch dù khách mua chưa nhiều. Chỉ cần có người đặt hàng là họ sẵn sàng làm, khoảng 2-3 ngày là hoàn thành 1 chiếc.

Mô hình thuyền độc mộc do già Hmơnh chế tác được bày bán như một sản phẩm du lịch tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023. Ảnh: Phương Duyên

Mô hình thuyền độc mộc do già Hmơnh chế tác được bày bán như một sản phẩm du lịch tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023. Ảnh: Phương Duyên

Từng là đồng đội của Anh hùng A Sanh với nhiệm vụ chèo thuyền đưa bộ đội qua sông đánh Mỹ, với già Pêng, thuyền độc mộc không đơn thuần là phương tiện. Đó còn là ký ức không thể nào quên.

Vì thế, khi đội cồng chiêng xã Ia Khai tham gia biểu diễn tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2023, già Pêng đã nghĩ ra mô hình độc mộc thu nhỏ và rối gỗ mô phỏng cảnh Anh hùng A Sanh chèo thuyền đưa bộ đội qua sông.

Mô hình được nghệ nhân công kênh trên vai, lắc lư nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng, như thể chiếc thuyền đang dập dềnh trên sóng nước Pô Cô. Hình ảnh thấm đẫm niềm tự hào đó không chỉ làm nức lòng người dân trên quê hương người anh hùng mà còn gây ấn tượng mạnh đối với du khách.

Trò chuyện với P.V, anh Siu Bi-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Khai-chia sẻ: “Mô hình thu nhỏ này giúp lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai sinh sống bên dòng Pô Cô. Chúng tôi mong rằng nhiều người biết đến mô hình này của già Pêng và già Hmơnh để có thể đặt hàng làm sản phẩm du lịch”.

Có thể bạn quan tâm