Đây là đánh giá của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Phạm Tấn Công tại diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp (DN) đồng hành vì VN phồn vinh, hạnh phúc 2024", do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT, VCCI và Hội Nhà báo VN đồng tổ chức ngày 24.10 tại Hà Nội.
DN "bỏ quên" báo chí trong các chiến dịch truyền thông
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo VN, trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - DN luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của DN trong nước nhiều hơn. Báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho DN và nhà nước. Từ các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của DN kịp thời, toàn diện hơn.
Chủ tịch Hội Nhà báo VN cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, nhiều bài báo về DN còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu về hoạt động kinh doanh của DN, dẫn đến thông tin về DN đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. "Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và DN vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong khi đó, không ít DN dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí "bỏ quên" báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính DN sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ", ông Minh nhìn nhận.
Với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho DN trong việc quảng bá thương hiệu, lan tỏa thông tin, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí.
Bên cạnh những DN làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều DN chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí - DN có nguy cơ lệch hướng và phức tạp. Ông Lâm chia sẻ: "Nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hay là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng. Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được".
Trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định để báo chí và DN cùng đồng hành vì VN phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí - DN trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau. "Báo chí và DN cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao. Hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác", ông Lâm nói.
Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin trên báo chí
TS Đỗ Anh Đức, nhóm nghiên cứu Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin của VCCI, cho biết VCCI đã nghiên cứu đề xuất Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí dựa trên 4 tiêu chuẩn lớn gồm: nội dung thông tin, chất lượng thông tin, hiệu ứng thông tin, quản trị tòa soạn và nguồn nhân lực.
"Việc nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí ở VN là hết sức cần thiết, có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, có tính khả thi và tiên phong đóng góp vào việc nghiên cứu, quản trị báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại. Báo chí kinh tế có thể tham khảo, làm chỗ dựa và đề ra chiến lược hành động trong tương lai, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí, đồng thời song hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối DN nói riêng và nền kinh tế nhà nước nói chung phát triển bền vững", TS Đỗ Anh Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cho biết báo chí - DN là mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời, vì vậy cần đưa ra các giải pháp để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực, phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước. Bên cạnh đội ngũ phóng viên, theo bà Thảo, các cơ quan báo chí nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện…; cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho DN. Về phía cơ quan quản lý, Bộ TT-TT đang xây dựng các chỉ tiêu, danh sách Blacklist và Whitelist để các doanh nghiệp có thể lựa chọn hợp tác.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về DN, doanh nhân góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. "Ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, DN, thổi bùng lên khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN". Nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo Thu Hằng (TNO)