Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bão di chuyển nhanh, 4 tỉnh dự kiến di dời 1,1 triệu dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 17-9, bão số 5 (Noul) đạt cường độ đạt trên cấp 10, giật cấp 12. Bão đang đi nhanh hơn và có xu hướng lệch xuống phía nam. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng dự kiến di dời 1,1 triệu dân trước khi bão đổ bộ.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 5 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 5 - Ảnh: CHÍ TUỆ



Sáng 17-9, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục tổ chức họp ứng phó với bão số 5.

Ông Phạm Đức Luận (vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều) cho biết đến 6h sáng 17-9, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, còn 511 tàu đánh cá/3.706 người đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Hiện có 102 tàu trong khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam, tất cả nắm được thông tin hướng di chuyển của bão.

"Theo dự báo, bão đang di chuyển với tốc độ 20km/h. Với tốc độ như vậy, tàu nhỏ không nhanh bằng bão, do đó cần phải thông báo hướng dẫn cho tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm" - ông Luận nói.

Theo ông Luận, có 25.400 lồng bè, nuôi trồng thủy sản trên biển, 73.000ha nuôi trồng trên biển, sông hồ. Do đó, cần khẩn trương tổ chức chằng chống, hạn chế thất thoát, những nơi có điều kiện di chuyển vào vùng an toàn, không để người trên lồng bè, chòi canh, trên bãi triều.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có kế hoạch sơ tán 295.859 hộ/1.177.486 người với kịch bản bão cấp 10, 11. Hiện các tỉnh đang tiếp tục rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế của bão.

Quân khu 4, Quân khu 5, Biên phòng duy trì 256.000 cán bộ, chiến sĩ, 2.600 phương tiện các loại, Quân chủng hải quân duy trì 6 tàu trực tìm kiếm cứu nạn.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sáng nay bão số 5 đạt cường độ trên cấp 10, giật cấp 12. Trong vòng 6 giờ qua, do cao cận nhiệt đới tăng cường độ mạnh, cơn bão này đi nhanh hơn và có xu hướng đi lệch xuống phía nam so với dự báo ngày 16-9.

"Các đài quốc tế đều dự báo cường độ bão cao nhất 12, riêng Nhật Bản dự báo thấp hơn một chút. Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia dự báo theo xu thế trên thì sớm nhất là 8-10h ngày mai (18-9), muộn nhất là cuối giờ chiều mai bão đổ bộ.

Cường độ khi bão vào bờ đạt cấp 10-11, gió giật cấp 13, trên biển gió mạnh đạt cấp 12, trọng tâm gió mạnh đất liền mở rộng từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Khi đi lệch xuống phía Nam sẽ tiếp cận bờ nhanh hơn" - ông Khiêm nói

Ông Khiêm cho biết hoàn lưu của bão sẽ gây mưa từ chiều tối nay đến hết ngày 18-9. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng còn 511 tàu nhưng qua theo dõi trên hệ thống định vị thực tế thì còn 1.200 tàu đánh cá còn trong vùng nguy hiểm. Do đó, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh thông báo các phương tiện khẩn trương thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đối với các tàu vận tải, ngành giao thông phải thông báo các cảng vụ, các tỉnh, các chủ tàu biết hướng di chuyển của bão. Tránh lặp lại tình trạng như cơn bão số 12 năm 2017 ở Quy Nhơn, 10 tàu vãng lai bị đánh chìm, thiệt hại rất lớn.

Các địa phương cần tổng kiểm tra lồng bè cá, nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết đưa người dân vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Ông Cường cũng yêu cầu chậm nhất trong ngày hôm nay các tỉnh phải cấm biển, đặc biệt 5 tỉnh trọng tâm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động sơ tán dân ở vùng trũng, cụm dân cư ven biển. Lưu ý không để bị động, không để hoang mang.

 


Hồ chứa thủy điện, thủy lợi miền Trung chờ đợi mưa từ bão số 5

Bão số 5 dự kiến đổ bộ vào miền Trung sẽ mang mưa lớn bổ sung lượng nước quý giá cho các hồ thủy điện và hệ thống hồ thủy lợi hiện gần như khô cạn tại các tỉnh này.

Nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng hầu như cạn khô sau mùa nắng kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đang rất mong đợi những cơn mưa lớn từ bão số 5.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 17-9, một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết hiện tại hầu hết các hồ chứa thủy lợi của tỉnh này đang khô đáy sau khi huy động nước tưới phục vụ mùa canh tác hè thu vừa qua.

Tương tự, tại Đà Nẵng, ông Lê Văn Tuyến, chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cũng cho biết mực nước các hồ chứa trên địa bàn đều ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết do từ đầu năm tới nay chưa có đợt mưa lớn nào.

Đối với các hồ chứa thủy điện lớn thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, tình hình cũng không khác mấy.

Ông Ngô Xuân Thế, phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, cho biết đang hi vọng khu vực thượng nguồn có mưa lớn để bổ sung nước cho các hồ chứa. Hiện tại, mực nước của hồ thủy điện A Vương gần như bằng 0, do đó, nếu dự báo bão số 5 mang mưa lớn với cường độ 400mm thì lượng nước về hồ cũng chỉ đạt 1/3.

Theo ông Thế, các đơn vị thủy điện hi vọng mưa sẽ dàn trải đều trên phần thượng nguồn, không tập trung cục bộ vào vùng hạ du như đợt tháng 12-2018 để không lặp lại tình trạng các hồ chứa thiếu nước mà vùng đô thị dưới đồng bằng lại ngập lụt.

TẤN LỰC

Theo CHÍ TUỆ (TTO)

Có thể bạn quan tâm