Bảo hiểm bắt buộc xe máy: Thủ tục rắc rối, nguyên tắc bồi thường còn lỗ hổng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dữ liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy trong năm 2019, mức chi bồi thường chỉ chiếm 6% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc xe máy. Nếu cứ duy trì tình trạng này, sẽ tạo ra sự bất công cho người tham gia bảo hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, mức chi thấp cho thấy đã đến lúc cần xem xét lại các quy định về trách nhiệm, mức bồi thường cũng như nguyên tắc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ước tính mỗi doanh nghiệp bảo hiểm thu lời 30 tỉ đồng/năm từ bảo hiểm bắt buộc xe máy. Ảnh: Hải Nguyễn
Ước tính mỗi doanh nghiệp bảo hiểm thu lời 30 tỉ đồng/năm từ bảo hiểm bắt buộc xe máy. Ảnh: Hải Nguyễn




Doanh nghiệp thu lời 30 tỉ đồng/năm

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 đạt 3.590 tỉ đồng (xe ôtô là 2.825 tỉ đồng, xe máy là 765 tỉ đồng). Theo đó, chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định, ước tính chi phí bồi thường trong năm 2019 chỉ là 972 tỉ đồng. Trong đó số tiền bồi thường cho các vụ tai nạn ôtô là 927 tỉ đồng và xe máy là 45 tỉ đồng, lần lượt tương đương 32,8% và 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Trao đổi với Lao Động, ThS - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, bản chất của bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới là nhân văn bởi loại bảo hiểm này chủ phương tiện xe cơ giới bắt buộc phải nộp vì quyền lợi của bên thứ ba, ở đây là người bị tai nạn giao thông. Thạc sĩ Cường cho rằng, thời gian thực hiện Nghị định 103/2008 đến nay đã bộc lộ rất nhiều điểm bất cập khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại những quy định này để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỉ đồng trong khi số tiền đã bồi thường là 45 tỉ đồng, tương đương 6% doanh thu. Trung bình mỗi mỗi vụ tai nạn xe máy có mức bồi thường là 5.000.000 đồng... Từ số liệu này, ông Cường phân tích, đây là những con số biết nói và rất đáng buồn. Thực tiễn áp dụng văn bản này qua các con số nêu trên cho thấy loại bảo hiểm này đã không phát huy được tác dụng, kỳ vọng của nó như lý do ban hành, quy định bắt buộc của chủ xe cơ giới.

“Mục đích của loại bảo hiểm này là hướng đến quyền lợi của người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, họ được bồi thường kịp thời, đầy đủ, giảm bớt đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đồng thời giảm trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với vụ tai nạn. Thế nhưng, số tiền mà người tham gia bảo hiểm đã đóng góp và số quyền lợi mà người được hưởng là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông lại chênh lệch đến mức giật mình, chỉ khoảng 6% số tiền thu được. Với hơn 20 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thu lời gần 30 tỉ đồng/năm, riêng đối với loại bảo hiểm bắt buộc là một nghịch lý. Bởi vậy, chắc chắn sẽ có đề suất về tăng mức bồi thường hoặc giảm số tiền mua loại bảo hiểm đối với chủ xe cơ giới” - luật sư Cường nhận định.

Cũng theo luật sư Cường, loại bảo hiểm này quy định bắt buộc bởi 2 lý do chính là quyền lợi của người bị nạn được bồi thường và người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy cả 2 mục tiêu đều chưa đạt được, thể hiện ở chỗ: Có những vụ tai nạn giao thông hậu quả thiệt hại về người mức bồi thường ít nhất phải vài trăm triệu đồng. Có những vụ lên đến cả tỉ đồng nếu điều trị dài ngày nạn nhân mới chết trong khi đó loại bảo hiểm này quy định mức bồi thường tối đa trong trường hợp này chỉ có 100.000.000 đồng là không hợp lý.

Khi phải mua loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thì người gây tai nạn vẫn phải tiếp tục bồi thường cho gia đình nạn nhân có khi hàng trăm triệu nữa. Đây là lý do khiến cả phần lớn người tham gia giao thông cũng như chủ phương tiện không thiết tha gì với loại bảo hiểm này. Có một nguyên nhân nữa là thủ tục để nhận khoản bảo hiểm này thì phần lớn người mua không biết và rất rắc rối. Bởi vậy không ít người đã bỏ cuộc hoặc không nghĩ đến chuyện sẽ yêu cầu cơ quan bảo hiểm bồi thường thay. Thêm vào đó, thái độ phiền hà, sách nhiễu, hách dịch của cán bộ bảo hiểm sẽ làm cho câu chuyện nhận tiền bảo hiểm khó như lên trời...

Nguyên tắc bồi thường có vấn đề?

Trong khi đó theo ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm INFAIR, trong các nguyên nhân dẫn đến việc người dân rất khó nhận được bồi thường từ các doanh nghiệp bảo hiểm phải kể đến việc không ít công ty bảo hiểm không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong việc tự thu thập hồ sơ để thực hiện trách nhiệm xác định nguyên nhân tổn thất theo quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh Bảo hiểm mà đẩy việc này cho bên mua bảo hiểm.

Trong khi đó một số điều khoản về nguyên tắc bồi thường được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính không đồng nhất khiến quá trình bồi thường gặp vấn đề và công ty bảo hiểm có thể không chấp nhận số tiền thực tế chủ xe phải trả cho bên thứ 3 theo hóa đơn sửa chữa.

Độ vênh về quy định khiến không ít khách hàng sau khi hoàn tất sửa chữa thực tế, xuất hóa đơn nhưng chỉ được doanh nghiệp bồi thường ở mức thấp hơn do doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào báo giá của… một đơn vị khác.

Theo Giám đốc INFAIR Nguyễn Khắc Xuân, để có thể duyệt giá được theo Mục 3a, Ðiều 14 - Thông tư 22/2016, công ty bảo hiểm phải có bằng chứng về thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên thứ 3 về việc sửa chữa tại cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định; hợp đồng sửa chữa giữa bên thứ 3 và garage mà doanh nghiệp bảo hiểm lấy báo giá; văn bản thống nhất chi phí sửa chữa giữa doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở sửa chữa và bên thứ 3. Chính vì vậy, nếu không có các giấy tờ nói trên mà chỉ đưa ra một bản báo giá của một bên không liên quan để áp đặt số tiền bồi thường thấp là hành động gian lận.

 



Nhiều quy định mới sẽ có lợi cho người dân

Liên quan đến những thay đổi trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008 về chế bộ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được Bộ Tài chính xây dựng, Giám đốc INFAIR Nguyễn Khắc Xuân cho biết, điểm thay đổi có lợi hơn với người dân là không bắt buộc phải có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền, và với những vụ việc buộc phải có thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tự thu thập.

V.Nghi

https://laodong.vn/xa-hoi/bao-hiem-bat-buoc-xe-may-thu-tuc-rac-roi-nguyen-tac-boi-thuong-con-lo-hong-807647.ldo


Theo Cao Nguyên - Văn Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm