Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bão số 10: Sơ tán dân đến nơi an toàn trước 8 giờ 30 phút sáng 15-9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 14.400 người dân ở ven biển Nghệ An sẽ được di dời đến nơi an toàn trước 8 giờ 30 phút sáng 15-9 cùng lương thực, thuốc men có thể sử dụng trong 3 ngày.

Trưởng Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã ra lệnh cho các địa phương di dời hơn 14.400 người dân ở ven biển đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 8h30 sáng 15-9.

Vào lúc 5 giờ sáng 15-9, công tác chuẩn bị di dời hơn 1 ngàn dân tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đã sẵn sàng. Với sự hỗ trợ của lực lượng công an, dân phòng, quân đội đồ đạc, tài sản của người dân sẽ được di dời đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trạm Y tế, trường học.

Lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng đã được chính quyền địa phương chuẩn bị để người dân có thể sử dụng trong 3 ngày. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân nơi đây đều tự giác, chủ động di chuyển đến những địa điểm được bố trí.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh ở khối Hải Trung, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An nói: “Cơn bão số 10 này rất mạnh. Người nhà tôi phải đi trước, còn tài sản thì cái gì mang đi được thì mang, không mang được thì phải để lại. Những đồ quan trọng thì mình đã di dời trước rồi. Khi khối ra lệnh là tôi đi sang nhà khác an toàn hơn”.

Trong suốt đêm 14-9, tại tỉnh Nghệ An đã có mưa to trên diện rộng, vào sáng nay, mưa lớn vẫn tiếp tục, nhiều nơi có nguy cơ ngập úng như thành phố Vinh, Diễn Châu, Yên Thành… có gió mạnh cấp 5, cấp 6. Theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, 15 xã, phường của 5 huyện, thị xã sẽ phải di dời, sơ tán 3.183 hộ dân với 14.428 người đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành trước 8 giờ 30 phút sáng nay. Trong trường hợp mưa to kết hợp với triều cường, các địa phương phải kịp thời báo cáo để tiếp tục di dời những hộ dân khác ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo diễn biến của bão thì trong buổi trưa 15/9, bão sẽ đổ bộ vào Nghệ An và Nghệ An sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị công tác di dời dân từ hôm qua với những phương án rất cụ thể. Khoảng 1 tiếng nữa, chúng tôi sẽ phát lệnh di dời dân và huy động toàn bộ lực lượng của thị xã vào cuộc để di dời 4.500 người dân đến nơi an toàn nhất”.

Nghệ An có hơn 4.000 tàu thuyền đã về bến an toàn. Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương cho tàu cứu hộ, cứu nạn công suất lớn vào cảng Cửa Lò để ứng cứu khi cần thiết.

Toàn tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa, đến nay có 268 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước đạt 70-80% so với công suất thiết kế. Phương án xả lũ ở các hồ đập cũng đã được chuẩn bị. Với diễn biến mưa lớn kéo dài thì nguy cơ ngập úng tại các vùng hạ lưu có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An có thể phải di dời thêm hàng nghìn người dân.

Bão số 10 đe dọa lớn tới an toàn hệ thống hồ đập ở Thanh Hóa

Bão số 10 có thể gây mưa to đến rất to, với lượng mưa lớn nhất là hơn 200mm tại Thanh Hóa, đe dọa an toàn hệ thống hồ đập, đê điều, gây ngập úng...

Tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành mở cửa xả, hạ bớt cao trình, đồng thời không tích nước tại những hồ có nguy cơ cao.         

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại thành phố Thanh Hóa, trên mái kè đê hữu sông Mã, đoạn từ K39+474 đến K39+534 thuộc địa phận phường Hàm Rồng, xã Quảng Phú bị sạt, sập dài hơn 30m, sâu gần 1m sau đợt mưa lũ đầu tháng 7 vừa qua. Đường hành lang trên đỉnh kè xuất hiện 2 vết nứt. Hiện tại, sự cố trên vẫn có chiều hướng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình.


 

Suốt đêm, tại Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to ngắt quãng
Suốt đêm, tại Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to ngắt quãng


Cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia có sức chứa khoảng 800 phương tiện, tuy nhiên, hiện nay đang phải chứa hơn 1000 phương tiện ở các xã lân cận và tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cũng vào neo đậu, tránh trú bão, gây quá tải cục bộ. Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng cùng ngành chức năng đang nỗ lực hướng dẫn ngư dân và các chủ phương tiện nhanh chóng sắp xếp vị trí tàu, thuyền tại nơi tránh trú bão, kiên quyết không để ngư dân ở trên tàu trong thời điểm bão đổ bộ vào đất liền.

Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có trên 1.400 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để chủ động đối phó với mưa lũ do cơn bão số 10 gây ra, huyện đã lên phương án sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ.


 

Ông Đặng Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa
Ông Đặng Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa


Đối với các cụm công trình đấu mối thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt, hiện nước đã lên đến cao trình +107,4m, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đã tiến hành mở 3 cửa xả đập chính, với lưu lượng 240 m3/giây đưa về cao trình +105m, đảm bảo an toàn hồ chứa. Huyện Thường Xuân cũng phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại cụm công trình đập phụ Hón Can và Dốc Cáy.

Ông Đặng Tiến Dũng-Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 610 và 1.023 đập dâng.

Qua kiểm tra thì xác định 121 hồ chứa không đảm bảo an toàn. Trong đó, 18 hồ đã không còn tích nước, 103 hồ tích hạn chế. Tỉnh đã kiểm tra và có kế hoạch ngay từ đầu mùa. Hồ nào có khả năng tích nước mới cho tích nước. Hồ nào khả năng an toàn không cao thì tích nước hạn chế. Hồ nào không an toàn thì kiên quyết không cho tích nước.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm