Chiều nay 2-8, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, chính quyền các địa phương chưa ghi nhận có thiệt hại về người và tài sản lớn.
Bão số 2 suy yếu và đổ bộ nhanh vào đất liền chiều 2-8 gây sóng lớn, khi nước thủy triều dâng cao ở xã ven biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online chiều nay 2-8, tại các huyện ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa có gió cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Theo bà con ngư dân vùng biển Thanh Hóa, cơn bão số 2 có cấp độ gió không mạnh, đủ làm mát sau hai tháng tại địa phương không có mưa và nắng nóng kéo dài.
Tuy nhiên, vì cơn bão số 2 suy yếu, đổ bộ vào các xã ven biển buổi chiều, lúc nước thủy triều đang dâng cao, kết hợp với mưa lớn sẽ gây sức ép cho hệ thống đê biển ở Thanh Hóa. Nước thủy triều có thể gây ngập úng cục bộ trong khu dân cư trũng thấp. Sau bão, cuộc sống của người dân ven biển đã trở lại bình thường.
Cuộc sống của người dân xã ven biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) trở lại bình thường, sau khi bão số 2 suy yếu và đổ bộ nhanh vào đất liền. Ảnh chụp cuối giờ chiều 2-8 - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Hiện nay, tại Thanh Hóa đang mưa rải rác, có nơi mưa vừa. Dự báo hai ngày tới sẽ có mưa to đến rất to. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cung cấp nước tưới cho hàng nghìn hecta lúa vụ mùa năm 2020 mà bà con nông dân các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn… gieo cấy hồi tháng 6 và 7, bị hạn hán kéo dài thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, do hạn hán kéo dài hai tháng qua, hơn 100 hồ, đập thủy lợi của tỉnh đã và đang ở mực nước chết, không đủ năng lực phục vụ tưới. Vì vậy, đợt mưa lớn sau cơn bão số 2 này sẽ là dịp thuận lợi bổ sung nguồn nước tự nhiên vào các hồ, đập thủy lợi để dự trữ, phục vụ tưới cho diện tích đất nông nghiệp sau này.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ đêm nay 2-8 đến sáng mai 3-8 sẽ có mưa lớn ở các huyện miền núi, vùng cao phía tây của tỉnh Thanh Hóa giáp với Lào, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nước sông suối ở các huyện vùng cao Thanh Hóa sẽ dâng cao, có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá trong khu dân cư ven sông suối, đường giao thông lên miền núi, vùng cao của tỉnh này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chỉ đạo các địa phương phải kiểm tra, yêu cầu ngành chức năng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng khi mưa, lũ gây chia cắt dài ngày; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp…
Theo HÀ ĐỒNG (TTO)