Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Thiệt hại ban đầu do bão số 4 gây ra tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tính đến 17 giờ ngày 25-7 đã làm 57 nhà bị tốc mái (Quảng Trị), 2.878 ha lúa bị ngập (Quảng Trị 908 ha, Thừa Thiên Huế 1.970 ha); 158 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Trị), 906 ha cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị gãy, đổ, giảm năng suất (Quảng Trị), 1.554 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy, đổ (Quảng Trị), 300 m kè bị sạt lở, hư hỏng (Quảng Trị); 300 m đê bao nội đồng bị vỡ (Thừa Thiên Huế)...
Người dân giằng néo tàu thuyền tại âu thuyền Cửa Việt (Quảng Trị) để tránh bão số 4. |
Bão số 4 làm một số tuyến đường nội đô thành phố Huế bị ngập sâu từ 0,2-0,6 mét, đến 21 giờ ngày 25-7 các tuyến đường cơ bản đã hết ngập.
Theo báo cáo số 30 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn làm đổ 15 m tường rào Trung tâm chữa bệnh giáo dục và Lao động xã hội và sạt 5.330 m3 đất đá taluy dương đường QL 279 và QL 3B (QL 279: 5.250 m3, QL3B: 80 m3). Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Báo cáo số 118 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ đã xảy ra lốc xoáy làm 2 người bị thương (ông Võ Long, sinh năm 1966 và chị Trần Thị Hường, sinh năm 1988); 62 căn nhà và 2 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 960 triệu đồng.
Báo cáo nhanh của Chi cục phòng chống thiên tai khu vực Miền Nam, trên địa bàn huyện Lấp Vò đã xảy ra mưa giông làm tốc mái 4 căn nhà và hư hỏng một số công trình phụ của Đài truyền thanh huyện.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại, huy động các lực lượng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả.
Để khắc phục hiệu quả thiệt hại do bão số 4 gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại tiếp tục huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng; khẩn trương bơm tiêu rút nước tại các khu vực bị ngập úng, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau khi nước rút.
Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ do hoàn lưu bão số 4 gây ra, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời. Tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại.
Thắng Trung (TTXVN)