Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bão số 5 có thể mạnh cấp 12, giật cấp 14, sẵn sàng sơ tán dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão số 5 (Noul) đang di chuyển nhanh về phía đất liền Quảng Bình - Đà Nẵng và dự báo sẽ tiếp tục mạnh thêm, có thể đạt cấp 12, giật cấp 14. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát các phương án và sẵn sàng lực lượng ứng phó.

Ví trí và hướng đi bão số 5 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Ví trí và hướng đi bão số 5 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia



Chiều 16-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện khẩn gửi các bộ, ban, ngành, các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa về việc tập trung ứng phó với bão số 5.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 16-9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Theo công điện, bão số 5 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14.

Ngày 18-9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13 (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to.

Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, dự kiến thời gian đổ bộ trùng với thời điểm triều cường, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại miền Trung (nơi có địa hình có độ dốc lớn), diễn biến của bão còn phức tạp cần đề phòng bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" phù hợp với diễn biến của bão.

Các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông và gia đình các chủ tàu tiếp tục tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (kể cả các tàu vận tải và tàu du lịch).

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản, vận động, tổ chức di dời người dân hoạt động trên biển vào đất liền trước khi bão đổ bộ vào (trường hợp cần thiết cần tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng tâm bão dự kiến đổ bộ khẩn trương rà soát phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách...

Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các địa phương ven biển quyết định việc cấm biển và cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Theo CHÍ TUỆ (TTO)

Có thể bạn quan tâm