(GLO)- Việc bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa đã được tỉnh nỗ lực thực hiện từ nhiều năm qua. Nhưng công tác bảo tồn vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn do thiếu một chính sách tổng thể. Xung quanh việc này có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng trước hết cần một sự hiểu biết và tôn trọng đối với di sản và những chủ nhân của nó.
Bảo tồn di sản trên nguyên tắc lấy cộng đồng làm chủ thể, nhất là giúp người dân được hưởng lợi từ các giá trị độc đáo này được nhiều người tin rằng là hướng đi đúng đắn, bền vững.
Cần chính sách tổng thể
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Chúng ta đã có nhiều chương trình hành động, nói đúng và trúng các vấn đề về bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Nhưng ai làm mới là vấn đề chính yếu. Tôi đã đặt câu hỏi này trong hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên” do Quốc hội tổ chức, nhưng cũng chưa ai trả lời được bài toán nguồn nhân lực. Có một nguyên tắc trong nghiên cứu, bảo tồn là bạn phải là người trong cuộc, có sự hiểu biết cần thiết về văn hóa Tây Nguyên. Nhưng cả 2 điều này đều là vấn đề lớn của công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Trong khi đó, chúng ta thiếu một chính sách tổng thể cho công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay”.
Giới thiệu về làng du lịch cộng đồng với doanh nghiệp du lịch. Ảnh: H.N |
Theo ông Tuệ, các cộng đồng vẫn bảo vệ di sản văn hóa theo cách mà chúng ta đang thấy, nhưng nỗi lo mất dần các giá trị văn hóa cũng đang dần hiện hữu. Tìm giải pháp cho vấn đề này vô cùng khó khăn, nan giải. Đó không chỉ là vấn đề của ngành văn hóa, của Ban Dân tộc mà tất cả phải ngồi lại, nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn. “Có nhiều kinh nghiệm về bảo tồn di sản trên thế giới và ở các địa phương. Quan điểm chung nhất là tôn trọng sự thật khách quan, trong nghiên cứu gọi là “đóng băng văn hóa”. Nhưng rất khó để thực hiện điều này bởi các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao mức sống cho người dân Tây Nguyên ít nhiều đã làm dòng chảy văn hóa có sự chuyển dịch, thay đổi”-ông Tuệ cho hay.
Hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử-văn hóa Tây Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong công tác bảo tồn. Theo bà, các cộng đồng bao giờ cũng muốn làm nhà rông đẹp, bề thế, vì đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân mỗi làng, của làng này với làng khác. Nếu chúng ta muốn làm cho làng một nhà rông hay nhiều thiết chế văn hóa khác được người dân chấp nhận, sử dụng, chỉ có một cách là hãy lắng nghe, tôn trọng ý kiến của họ. Bà Vân kể: “Cách đây hơn 10 năm, Sở Văn hóa-Thể thao TP. Hồ Chí Minh muốn tặng làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) một nhà rông nguyên bản, lợp tranh, kinh phí bao nhiêu cũng được. Khi tôi xuống làm việc, hỏi ý kiến từ cộng đồng làng đến xã, các đồng chí lãnh đạo huyện thì tất cả mọi người yêu cầu cho lợp mái tôn. Lý do là lợp mái tranh mỗi lần thay mái sẽ phải cúng heo gà tốn kém. Đến lúc nào đó, tranh cũng không còn. Hơn nữa, họ còn sợ cháy. Đã có rất nhiều nhà rông mái tranh ở Bắc Tây Nguyên bị cháy do nguyên liệu dễ bắt lửa. Đó là lý do chính đáng cần được tôn trọng. Tuy nhà rông lợp mái tôn nhưng vẫn phải giữ được kiểu dáng, kiến trúc, màu sắc, khi nhìn vào vẫn có nét gần gũi, hài hòa với những ngôi nhà xung quanh”.
Từ câu chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng, dòng chảy văn hóa luôn có sự thay đổi phù hợp với sự phát triển. Hiện nay, các địa phương có những chính sách đặc thù để khuyến khích người dân bảo tồn di sản. Ngoài ra, có nhiều chương trình, dự án dành cho công tác này như phục dựng các nghi lễ, lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóa... Nhưng để bảo tồn được nhất thiết phải dựa vào cộng đồng, đặt người dân làm chủ thể trong mọi hoạt động. “Chúng ta chỉ giúp họ tự hào trước những giá trị văn hóa đang nắm giữ và khuyến khích họ giữ gìn, tiếp tục thực hành trong đời sống chứ tuyệt đối không được áp đặt quan điểm, cách nhìn nhận của người ngoài cuộc”-bà Vân nhấn mạnh.
Theo quan điểm bảo tồn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, không thể bắt văn hóa phải đứng yên một chỗ, trừ khi chúng ta làm những bảo tàng sống. Đô thị cổ Hội An được xem là một bảo tàng sống điển hình, đặc biệt về kiến trúc và lối sống đô thị. Để áp dụng đối với di sản văn hóa Tây Nguyên cần có sự quy hoạch, khoanh vùng. Theo bà Vân: Không thể bắt tất cả các làng ở Tây Nguyên phải giữ nguyên kiến trúc, mọi thứ ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX hay trước 1975 được. Ở đây rất cần việc định hướng, hoạch định cộng đồng dân cư trong không gian phù hợp để bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc cho từng nhóm dân tộc, từng nhóm địa phương nào đó. Chẳng hạn lựa chọn một ngôi làng nào đó để bảo tồn, mấy trăm năm sau quay lại người ta vẫn nhìn thấy không gian cũ ở đó.
Giúp người dân hưởng lợi
Gần đây, di sản văn hóa đã được nhắc đến như một nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển du lịch, nhất là khi tỉnh ta đang hướng đến xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng. Theo các chuyên gia nhận định, khi người dân sống được bằng các giá trị văn hóa độc đáo đang nắm giữ, họ sẽ tự nâng cao ý thức bảo bệ, gìn giữ. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, cải thiện mức sống cho người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Đây còn là hình thức quảng bá các giá trị di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về tôn trọng văn hóa truyền thống. Như vậy, phát triển du lịch với bảo tồn các giá trị văn hóa mang lại lợi ích song song, là những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững”.
Làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) khai thác giá trị ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch. Ảnh: H.N |
Ông Đào Xuân Mùi-chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ): “Xây dựng tour du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra hay bất cứ làng nào cũng vậy, phải nói cho người dân hiểu rằng, giữ cho bằng được bản sắc văn hóa đó mới chính là gốc rễ, là vốn quý, là tài sản, di sản để khai thác du lịch, dịch vụ. Khi người dân hưởng lợi được từ di sản thì chính hoạt động du lịch sẽ là nguồn lực bền vững để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được thăng hoa, rực rỡ”. |
Nhìn vào một số sản phẩm du lịch cộng đồng đang dần hoàn thiện ở các địa phương có thể kiểm chứng được điều này. Làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) sau khi được Hội đồng Anh tài trợ phát triển du lịch cộng đồng đã mang một sắc khí mới. Người dân được bày cách khai thác các giá trị văn hóa truyền thống như sử dụng nhà ở làm homestay phục vụ du khách, phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống, ngành nghề thủ công đan lát, dệt vải trong hoạt động du lịch. Ông Đào Xuân Mùi-chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Làng Mơ Hra nằm trong cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng-là di sản nhân loại được thế giới công nhận. Nhưng giá trị của di sản vẫn chưa phát huy được nhiều, nhất là trong việc tạo sinh kế cho bà con. Chúng tôi đã bày cách để bà con biết khai thác vốn quý đó, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nghề truyền thống, kỹ năng để tiếp đón khách, thu hút khách từ các hoạt động lễ hội… Song song với đó, chúng tôi dựa vào di sản này để kết nối, quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng”.
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) cũng là mô hình tương tự khi di sản văn hóa được khai thác, kết nối, biến thành các giá trị tương xứng thông qua phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, đây là hướng khuyến khích người dân bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống bền vững, đúng hướng. “Làng kháng chiến Stơr sau khi được đầu tư để biến thành sản phẩm du lịch cộng đồng đã tái hiện lại ngôi làng Kông Hoa như trong tác phẩm nổi tiếng “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Đây là yếu tố rất hấp dẫn khách du lịch. Từ khi có du khách đến làng, bà con đã bán được nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, các giá trị văn hóa cũng được ý thức gìn giữ tốt hơn”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân khẳng định.
HOÀNG NGỌC