Văn hóa

Bảo tồn sử thi Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nói đến sử thi hay anh hùng ca, chúng ta thường nghĩ ngay đến sự đồ sộ và hoành tráng của tác phẩm.

Những bộ sử thi nổi tiếng thế giới (thiên anh hùng ca) thời cổ đại như: Iliat và Odyssey, Ramayana và Mahabharata chứa đựng một nền văn hóa cổ đại và tư tưởng triết học của những nền văn minh sớm nhất của nhân loại. Những thiên trường ca này luôn được các thế hệ sau coi trọng.

Ở nước ta, từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều sử thi được sưu tầm, phổ biến như: “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, “Ẩm ệt luông” của người Thái, “Bài ca chàng Đam San” của dân tộc Ê Đê… Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm phát hiện sử thi đầu tiên ở Tây Nguyên-Đăm Săn (năm 1933), Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã triển khai dự án điều tra, khảo sát, sưu tầm, biên dịch sử thi Tây Nguyên từ năm 2001 đến 2007. Trong đó, đã sưu tầm được 801 tác phẩm sử thi với 5.679 băng ghi âm và lập danh sách 388 nghệ nhân hát kể sử thi; đã dịch nghĩa 115 tác phẩm…

Một số sử thi Bahnar và công trình nghiên cứu về sử thi Bahnar đã được in thành sách. Ảnh: B.Q.V

Một số sử thi Bahnar và công trình nghiên cứu về sử thi Bahnar đã được in thành sách. Ảnh: B.Q.V

Đến cuối năm 2007, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố 75 sử thi Tây Nguyên với 62 tập sách (mỗi cuốn sách gồm 1.000 trang in song ngữ) gồm sử thi của các dân tộc: MNông, Bahnar, Raglai, Ê Đê, Xê Đăng, Chăm… Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, công việc điều tra, sưu tầm và công bố tác phẩm lúc này là hơi muộn. Nếu sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta vào cuộc sớm và may mắn gặp được các nghệ nhân lớn tuổi hát kể sử thi ở các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và lân cận thì số lượng các tác phẩm ghi chép lại được có lẽ nhiều hơn.

Thời gian dài sau đó, những người nắm giữ các di sản của dân tộc mình đã qua đời và họ mang theo nó sang bên kia thế giới, vì loại hình văn học dân gian này chỉ được truyền miệng với một số nghệ nhân có tài nghệ đặc biệt.

Nhưng chỉ sau chừng ấy năm (sau thế kỷ XXI), chúng ta đã cố gắng sưu tầm được một khối lượng khổng lồ sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên. Điều đó khiến giới nghiên cứu dân tộc học, văn hóa, văn nghệ dân gian phải “giật mình” về miền đất sử thi đã bị bỏ quên trong một thời gian dài. Thậm chí bấy giờ nhiều người còn cho rằng, nhóm dân tộc Bahnar, Xê Đăng ở Kon Tum không có sử thi. Nhưng khi triển khai sưu tầm đã phát hiện nhiều sử thi ở các dân tộc này, trong đó có những bộ sử thi liên hoàn có giá trị với cả trăm tác phẩm.

Ở Gia Lai, công việc điều tra, sưu tầm sử thi được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước. Sau khi phát hiện, công bố sử thi Dăm Noi (năm 1980) của dân tộc Bahnar, giới sưu tầm đã ghi chép được 70 sử thi do 20 nghệ nhân hát kể, trong đó các sử thi được dịch và công bố rộng rãi như: Dyông Dư, Diơ hao Jrang, Bia Brâu, Diông Trong Yuăn, Atâu so Hle kơne Gơseng… và đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014). Đặc biệt, năm 2018, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã công bố công trình nghiên cứu “Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông” của dân tộc Bahnar được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá cao.

Một thực trạng đang tồn tại hiện nay là với khối lượng lớn sử thi ở Tây Nguyên đã được sưu tầm, phần nhiều còn đang nằm trong kho lưu trữ chưa được xử lý, biên dịch, hiệu đính và in thành văn bản để công bố rộng rãi. Hiện số lượng sử thi được in thành sách chỉ chưa đến 1/10 số sử thi đã sưu tầm được ở Tây Nguyên. Số người có khả năng phiên âm, dịch nghĩa các văn bản sử thi đang ngày một ít đi, phần lớn đã về thế giới Atâu hoặc sức yếu, không còn khả năng để tiếp tục công việc.

Để bảo tồn di sản phi vật thể đặc thù và quý giá này, chúng ta không đặt vấn đề khôi phục một cách hoàn hảo như không gian, người hát kể cũng như công chúng buôn làng-người nghe, xem diễn xướng sử thi như xưa, vì trong thực tế, môi trường và con người ở các buôn làng ngày nay đã có nhiều đổi thay.

Trước mắt, chúng ta cần khuyến khích những nghệ nhân biết hát kể sử thi còn lại của các dân tộc ở Tây Nguyên truyền dạy cách diễn xướng các bài sử thi của dân tộc mình. Các địa phương nên đưa phần hát kể sử thi vào các chương trình thi, biểu diễn văn hóa ở khu vực.

Các trường dân tộc nội trú cần tổ chức ngoại khóa để giới thiệu các sử thi đã được xuất bản; đồng thời, mời nghệ nhân để tổ chức những buổi hát kể sử thi nhằm giúp học sinh hiểu hơn và tự hào về di sản độc đáo, quý giá của cha ông mình. Khuyến khích các nhà nghiên cứu văn hóa đi sâu nghiên cứu sử thi các dân tộc Tây Nguyên.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu để đào tạo các chuyên gia, những người có khả năng hiểu biết về ngôn ngữ, thông hiểu văn hóa của các dân tộc thiểu số để tiếp tục dịch, hiệu đính, biên tập để xuất bản các sử thi còn lại và công bố rộng rãi.

Việc bảo tồn di sản sử thi các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Tuy nhiên, không phải là không bảo tồn được nếu chúng ta có cách nhìn nhận đúng và có hành động kịp thời.

Có thể bạn quan tâm