Chuyện sưu tầm sử thi Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người Bahnar có 1 bộ sử thi đồ sộ kể về người anh hùng Dăm Giông. Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” của Viện Khoa học xã hội từ năm 2001-2007 đã sưu tầm được hơn 100 sử thi Bahnar và xuất bản gần 30 tác phẩm.

Từ năm 2008 đến nay, người viết bài này sưu tầm được 15 tác phẩm trong bộ sử thi này. Trong đó có 2 sử thi: “Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) và “Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i” (chuẩn bị in) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải nhì năm 2022.

Đi tìm “báu vật nhân văn sống”

Tôi nghiên cứu và sưu tầm sử thi hơi muộn nhưng may mắn được gặp nghệ nhân diễn xướng sử thi A Lưu và dịch giả A Jar. Đây là “cặp bài trùng” giúp tôi thuận lợi trong việc sưu tầm, biên soạn sử thi. Nghệ nhân A Lưu sinh năm 1943 ở làng Kon Klor 2, xã Đak Rơwa, TP. Kon Tum. Ông là con trai của cụ Yă Ngao, một nghệ nhân diễn xướng nổi tiếng. Có thể nói, nghệ nhân A Lưu là một người “siêu trí tuệ” vì ông có thể nhớ và diễn xướng hơn 100 sử thi, mỗi sử thi diễn xướng khoảng 7-10 giờ. Để bạn đọc dễ hình dung, một sử thi nếu in cỡ chữ 14, giãn dòng 1,5 thì có khoảng 300 đến 350 trang A4. Như vậy, nghệ nhân A Lưu có thể ghi nhớ khoảng 3 vạn trang nội dung sử thi.

Dĩ nhiên, muốn để nghệ nhân diễn xướng một sử thi nào đó, phải để ông nghỉ ngơi lấy sức và nhớ lại tên, cốt truyện, nhân vật, tình tiết và các yếu tố khác. Để chuẩn bị ghi hình, ghi âm một sử thi, người sưu tầm phải làm việc nhiều lần với nghệ nhân diễn xướng và dịch giả. Người sưu tầm trao đổi về nội dung của sử thi chuẩn bị diễn xướng và chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cho nghệ nhân để có bản kể tốt nhất. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chuẩn bị tốt về mọi mặt và tạo tâm lý tốt thì nghệ nhân sẽ diễn xướng hào hứng và sử dụng rất nhiều lời nói vần, thể hiện tập trung nhất các đặc trưng của sử thi.

Cồng chiêng ngày hội. Ảnh: Quốc Nguyễn

Cồng chiêng ngày hội. Ảnh: Quốc Nguyễn

Dịch giả A Jar sinh năm 1944 tại làng Plei Đôn, phường Quang Trung, TP. Kon Tum. Ông là một trí thức người Xê Đăng có thể biên dịch tốt cả 3 thứ tiếng: Xê Đăng, Bahnar và Jrai. Ông đã biên dịch hơn 20 sử thi Bahnar và Xê Đăng, sưu tầm và biên dịch nhiều tác phẩm tiếng Jrai, Bahnar, Xê Đăng. Đặc biệt, ông là người duy nhất còn sống có thể dịch sử thi Xê Đăng tính đến thời điểm này.

Thực tế quá trình sưu tầm cho thấy, tìm được nghệ nhân diễn xướng trọn vẹn một sử thi rất khó khăn. Có nhiều nghệ nhân có thể diễn xướng nhưng không phải thể loại sử thi, mà một thể loại khác. Có cụ diễn xướng sử thi nhưng không trọn vẹn hoặc rất ngắn, không bảo đảm đặc trưng thể loại. Việc tìm được dịch giả sử thi lại khó hơn gấp bội. Trong nhiều trường hợp, sưu tầm được sử thi nhưng không tìm ra người biên dịch. Nguyên nhân là do sử thi ở nhiều vùng phương ngữ khác nhau, từ vựng và nội dung cổ xưa, cách diễn đạt trong sử thi mang đặc thù riêng… nên không phải dịch giả nào cũng am tường. Vì vậy, tôi gặp được nghệ nhân A Lưu và dịch giả A Jar như gặp “báu vật nhân văn sống”.

Giá trị của sử thi

Sử thi “Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo” và “Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i” có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Sử thi “Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo” kể về chuyện 2 chàng Giông, Giơ\ ở xứ Thượng nguồn đi tìm vợ ở Hạ nguồn. Dăm Giông, Dăm Giơ\ là con trai của bok Set giàu có ở xứ Thượng nguồn. Bằng uy tín của cha, tài năng của bản thân, 2 chàng đã kết giao nhiều bạn bè ở Hạ nguồn, cưới được người đẹp, đánh thắng bọn xấu, bảo vệ dân làng. Sử thi “Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i” là câu chuyện chàng Giông và Giơ\ đi tìm em gái Bia Lu\i bị bắt cóc. Hai chàng đã trải qua cuộc tìm kiếm gian nan để cứu em gái, đánh thắng bọn buôn người, bảo vệ người thân và buôn làng, kết giao với nhiều bạn bè.

Cốt truyện và tình tiết của 2 sử thi khác nhau nhưng nội dung đều phản ánh hiện thực đời sống phong phú và lịch sử sôi động của người Bahnar xưa. Đó là những chuyện làm ăn, buôn bán, giao lưu, kết bạn ở nhiều vùng miền khác nhau. Ngoài làm rẫy, chăn nuôi gia súc trên rừng, đánh bắt cá dưới sông, người Bahnar đã mở rộng giao lưu với các vùng miền và các cộng đồng khác nhau, nhất là các cộng đồng dân cư phía Đông Trường Sơn và vùng duyên hải miền Trung. Xu thế hướng về phương Đông của người Bahnar thể hiện trong nhiều sử thi qua việc buôn bán, giao lưu với người Việt, người Chăm, Lào ở “xứ Hạ nguồn ở gần biển, là ngã ba của các con đường đi xứ Lào, xứ Yuăn” (Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo) hoặc ở “xứ người MNong ở bên kia bờ sông không bờ” (Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i).

Những pho sử thi thường được các nghệ nhân kể dưới ảnh lửa lập lòe dưới mái nhà rông lừng lững. Ảnh: Quốc Nguyễn

Những pho sử thi thường được các nghệ nhân kể dưới ảnh lửa lập lòe dưới mái nhà rông lừng lững. Ảnh: Quốc Nguyễn

Hai sử thi đều mang đặc trưng quen thuộc là cuộc chiến tranh giành người đẹp. Tuy vậy, yếu tố chiến tranh trong 2 sử thi này mờ nhạt. Việc mô tả chiến tranh chỉ mang tính chất khái quát, tóm lược và chiếm dung lượng nhỏ trong tác phẩm. Trong mỗi sử thi chỉ có một cuộc giao chiến nhưng không khốc liệt, chủ yếu là những lời kể tội, lời tranh luận về việc đúng sai, lời thuyết phục từ bỏ đánh nhau. Nội dung của sử thi không chú trọng mô tả cảnh chiến tranh mà chỉ lý giải nguyên nhân chiến tranh, tìm cách tháo gỡ nguy cơ xảy ra chiến tranh. Điều này cho thấy những sử thi Bahnar kể về Dăm Giông ở Kon Tum rất ít yếu tố chiến tranh và nhiều yếu tố hòa giải.

Nét đặc sắc về nghệ thuật của sử thi “Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo” và “Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i” là ngôn ngữ giàu nhạc tính và có nhiều lời nói vần. Lời nói vần tạo nên tính nhạc, lúc dịu dàng như một cơn gió thoảng, lúc dữ dội như những trận cuồng phong, bão lửa. Lời nói vần được thể hiện ở nhiều đoạn đối đáp của các nhân vật, lời khuyên của cha mẹ đối với con cái: “Các con hãy yêu nhau/Yêu cho đến cuối đời/Tới đầu bạc răng long/Yêu cho đến khi chết” (Giông, Giơ\ bán ghè thần Rang Blo). Lời nói vần còn tạo cách nói uyển chuyển của sử thi: “Khi nói chuyện, phải nói hay như chim pơlang rủ rỉ nói chuyện yêu đương/Khi gặp gỡ phải đẹp đẽ như nai bước nhẹ nhàng trên thảm cỏ” (Giông, Giơ\ tìm Bia Lu\i).

Một điểm nổi bật của các sử thi Bahnar là ngôn ngữ diễn xướng. Đó là những câu văn xuôi dài, có cấu trúc đối xứng như văn biền ngẫu tạo thành nhịp điệu hấp dẫn trong lời hát kể. Cũng có khi, ngôn ngữ trong sử thi là những đoạn đối thoại sôi nổi, sinh động như ngôn ngữ kịch; có khi là lời cầu khấn với thần linh, tổ tiên trang nghiêm, thành kính… Đặc biệt, tiếng “hơ” của nghệ nhân trong quá trình diễn xướng sử thi có nhiều tác dụng. Nghệ nhân thường dùng tiếng “hơ” để mở đầu sử thi hoặc đoạn mới. Khi bắt đầu diễn xướng, tiếng “hơ” kéo dài để mở đầu một câu chuyện với cách hát chậm rãi. Trong từng đoạn hoặc hết một câu dài, nghệ nhân cũng thường dùng tiếng “hơ” để bắt đầu một câu kể khác hoặc một vai kể khác. Có thể xem tiếng “hơ” như một yếu tố “chuyển cảnh”, “chuyển ý” rất linh hoạt. Sau tiếng “hơ”, nghệ nhân có thể sang một phân cảnh, một đoạn kể khác, một ý khác mà không gây bất ngờ cho người nghe.

Ngoài lời nói vần, trong 2 sử thi trên còn miêu tả vũ khí thần kỳ của các anh hùng và kẻ thù. Đó là khiên thần có thể chở người bay lên trời, có thể tạo ra mưa gió làm ngập lụt ruộng đồng, phun lửa thiêu cháy kẻ thù. Đó là thuốc thần kỳ, có thể nói chuyện với người ở xa vạn dặm, chỉ cần đốt thuốc lên và nói chuyện với nhau như ngồi sát bên cạnh. Những yếu tố này làm cho sử thi thêm hấp dẫn, lôi cuốn.

Có thể bạn quan tâm