Thời sự - Bình luận

Bảo vệ rừng không thể trông chờ "vận động" lâm tặc nương tay cho rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hàng loạt các vụ phá rừng dịp Tết nguyên đán vừa được công an Đắk Lắk phá án, khởi tố các đối tượng lâm tặc. Tuy vậy, những ông chủ là các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ rừng thì gần như "vô can" sau các vụ để mất đất, mất rừng liên tục xảy ra.

 



Thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, trước Tết Nguyên đán 2021, kiểm lâm đã phát hiện, xử lý khoảng 10 vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở địa bàn các huyện Buôn Đôn, Krông Pắk, Ea H'Leo, M'Đrắk và TP.Buôn Ma Thuột. Riêng tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 88 vụ phá rừng làm nương rẫy với tổng diện tích lên đến hơn 20ha.

Tại khu vực rừng ở xã Ea Sol do Công ty Lâm nghiệp HTV Ea H'Leo quản lý có 2 điểm phá khoảng hơn 1ha nhưng chủ rừng, kiểm lâm địa bàn vẫn chưa bắt được lâm tặc.

Dịp này, Hạt kiểm lâm 2 huyện Krông Búk và Ea H'Leo còn phát hiện thêm 1 vụ phá rừng ở lâm phần quản lý của phía Công ty xây dựng đầu tư - xuất nhập khẩu Phước Thành với diện tích gần 1ha, mức độ thiệt hại là 100%...

Điều đáng nói là những vụ phá rừng nếu phát hiện được đều do... công an.

Như tại huyện Krông Bông, trước Tết, Công an thành lập tổ công tác đặc biệt với hơn 20 cán bộ, chiến sĩ để "đánh án". Sau gần 3 ngày truy quét, tổ công tác đã bắt quả tang 6 đối tượng đang dùng 5 con trâu kéo khoảng 7m3 gỗ quý pơ mu khai thác trái phép tự khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông). Công an đã tạm giữ 3 đối tượng tình nghi.

Nhưng chủ rừng, ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông thì lý giải: "Đêm 30 Tết, có phát hiện trên 20 đối tượng mang theo 5 cưa máy, dao rựa vào sát chốt quản lý bảo vệ rừng của phân trường Ea Tlong (thuộc tiểu khu 1164) ngang nhiên phá rừng. Nhưng lực lượng của công ty chỉ biết vận động các đối tượng ngừng phá rừng"...

Ông Võ Sỹ Sáu - Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp này thì cho rằng, đã thực hiện hết trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quán triệt cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bảo vệ rừng.

Được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ, nhưng đến khi lâm tặc chặt cây, lấy gỗ, lấn đất rừng... xâm hại trực tiếp đến tài sản của nhà nước và trong phạm vi nhiệm vụ của lâm trường thì người quản lý lại đùn đẩy trách nhiệm.

Nếu lực lượng mỏng, không đủ năng lực thì chủ rừng có thể báo cáo cấp trên, phối hợp công an... chứ không thể chỉ "xin" các lâm tặc nương tay với rừng, rồi nói "chúng tôi đã làm hết trách nhiệm được".

Chưa có bằng chứng về sự "tiếp tay", làm ngơ cho lâm tặc xâm hại rừng, nhưng không thể để các chủ rừng này cứ thế mà vô can.

Thực tế, các Cty lâm nghiệp này đã nhiều lần bị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nhưng rồi tình trạng để lâm tặc liên tục lộng hành, rừng bị lại phá, mà các vị này vẫn tiếp tục bình an vô sự.

https://laodong.vn/ban-doc/bao-ve-rung-khong-the-trong-cho-van-dong-lam-tac-nuong-tay-cho-rung-883196.ldo 

Theo Thanh Hải (LĐO)

Có thể bạn quan tâm