Thời sự - Bình luận

Bảo vệ sản xuất trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong khi cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa công bố quyết định có tiến hành điều tra chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) Trung Quốc vào VN hay không thì sản phẩm này tiếp tục ồ ạt nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ đầy đủ hợp lệ, căn cứ vào kiến nghị của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ quyết định việc điều tra hoặc không điều tra. Nếu tính từ khi doanh nghiệp gửi đơn kiến nghị cuối tháng 3 đến nay, cũng gần 2 tháng. Còn tính từ lúc Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu bổ sung hồ sơ, có lẽ cũng sắp đến thời hạn cơ quan quản lý phải ra quyết định.

Các doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng phản đối điều tra chống bán phá giá thép HRC vì cho rằng không có cơ sở pháp lý, cùng với đó sẽ dồn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ vào phá sản và tăng gánh nặng lên người dùng. (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng phản đối điều tra chống bán phá giá thép HRC vì cho rằng không có cơ sở pháp lý, cùng với đó sẽ dồn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ vào phá sản và tăng gánh nặng lên người dùng. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, thép cán nóng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, thì không chờ "quy trình" này mà vẫn ùn ùn kéo vào thị trường nội địa. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 4 vừa rồi, lượng thép HRC nhập khẩu vào VN tiếp tục leo cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa, trong đó Trung Quốc chiếm 71%. Còn tính lũy kế 4 tháng, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về VN là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023.

Đáng nói, trong khi chúng ta còn đang thận trọng xem xét thì hàng loạt nước trong khu vực và trên thế giới thể hiện thái độ hết sức rõ ràng và quyết liệt. Mới nhất là Bộ Thương mại Thái Lan đang điều tra và xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá đối với thép HRC từ Trung Quốc, do thép nước này tràn vào Thái Lan, làm cho các nhà máy thép nội lao đao vì dư thừa công suất và hiệu suất sử dụng thấp. Cũng tuần trước, ngày 16.5, Ủy ban Châu Âu (EC) đã bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán phẳng (tinplate) có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đơn khiếu nại của Eurofer vào ngày 2.4. Tương tự, Mỹ thông báo tăng thuế ô tô điện Trung Quốc lên 100%...

Thực ra, không phải bây giờ mà từ trước đến nay hàng Trung Quốc luôn đối mặt với việc bị điều tra chống bán phá giá ở nhiều nước. Hiện tại Trung Quốc đang đối mặt với nguồn cung thép dư thừa tràn lan khi lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước trì trệ. Vì thế, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu và Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hàng đầu, trong đó có VN. Với bối cảnh như vậy, cộng với số lượng thép HRC nhập khẩu 4 tháng đầu năm vượt sản xuất trong nước như nói trên, thì đã đủ cho chúng ta khởi động một cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc mà không cần chờ kiến nghị từ doanh nghiệp hay phải đúng thời gian theo quy định.

Bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là với sản xuất thép ở thượng nguồn là hết sức quan trọng với bất cứ quốc gia nào và VN cũng tương tự. Nếu VN chậm trễ trong khi các nước đã điều tra chống bán phá giá thì chúng ta rất có thể trở thành vùng trũng cho thép cán nóng Trung Quốc đẩy mạnh vào hơn nữa. Khi đó, hệ quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Khởi động điều tra chống bán phá giá là một việc hết sức bình thường trong thương mại toàn cầu ngày nay. Đó là cơ sở để Chính phủ ra quyết định có tăng thuế đối với đối tượng bị điều tra hay không. Cuối tháng 4 vừa rồi, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan liên quan nhanh chóng rà soát và có biện pháp phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất trong nước. Đến nay, đã gần 1 tháng kể từ khi Chính phủ yêu cầu... Bảo vệ sản xuất trong nước, không thể chậm trễ hơn!

Có thể bạn quan tâm