Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bão Yagi gây ra trận lũ lớn trên sông Mekong, đang di chuyển về ĐBSCL

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơn bão Yagi (số 3) đã gây ra trận lũ lụt có quy mô và cường độ lớn nhất từng được ghi nhận trong 30 năm qua ở lưu vực sông Mekong tại Thái Lan, Myanmar và Lào. Khối nước khổng lồ từ trận lũ lớn này đang di chuyển về phía hạ nguồn sông Mekong và có thể về đến ĐBSCL của Việt Nam vào đầu tháng 10.

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong), bão Yagi tạo ra một trận lũ lớn trên sông Mekong, khiến mực nước sông tại Luang Prabang (Lào) đã vượt ngưỡng lũ từ ngày 11- 15.9. Khối nước khổng lồ đang di chuyển về phía hạ nguồn.

Khối nước khổng lồ do bão Yagi gây lũ trên sông Mekong đang di chuyển về ĐBSCL

Khối nước khổng lồ do bão Yagi gây lũ trên sông Mekong đang di chuyển về ĐBSCL

Viện Quy hoạch thủy lợi Nam bộ (SIWRP) cho biết, tính đến ngày 19.9 mực nước tại trạm Kratie là 20,65m, cao hơn đến 1,73m so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và cao hơn năm 2023 là 0,63m.

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước có xu thế tăng nhưng còn chậm. Tại trạm Tân Châu trên sông Tiền vào ngày 18.9 đạt 2,81m, vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm 0,61m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,16m. Còn tại Châu Đốc trên sông Hậu là 2,66m vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm 0,35m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,23m.

Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông MeKong như trạm Kratie và Prek Kdam (Campuchia) đều có xu thế tăng mạnh; mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng. Bên cạnh đó, mưa trên lưu vực hạ lưu sông MeKong ở mức cao và có xu thế tăng do ảnh hưởng của bão số 4; mưa trên vùng ĐBSCL ở mức trung bình và có xu thế tăng.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL cho biết: Ở trạm Nong Khai phía đông bắc Thái Lan mực ngày 15.9 đã vượt hơn trung bình nhiều năm đến 4,5m do lượng mưa của trận bão Yagi. Mực nước tại đây vào ngày 18.9 đã giảm còn trên trung bình nhiều năm chỉ khoảng 2,7m, chứng tỏ khối nước đã bắt đầu di chuyển về hạ lưu. Khi khối nước này về đến ĐBSCL khoảng đầu tháng 10 dương lịch có thể trùng vào đợt triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch. Khi đó, nước sông Mekong từ trên đổ về gặp nước thủy triều từ hướng biển lên sẽ gặp nhau ở vùng giữa ĐBSCL và gây ngập cho dãy đô thị phía đông quốc lộ 1A như: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy.

Theo Chí Nhân (TNO)

Có thể bạn quan tâm