Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bắt giam hàng loạt 'sếp' VEAM xài tiền nhà nước vô tội vạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giam nhiều 'sếp' VEAM, thuộc Bộ Công thương, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
 
Từ trái qua: Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Nguyễn Mạnh Chung và Vũ Từ Công. Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Ngày 3.8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp VN (VEAM, thuộc Bộ Công thương) và một số đơn vị thành viên.
Cùng ngày, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC), cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015. Trong các bị can nêu trên, C03 áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam đối với Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang và Nguyễn Mạnh Chung; áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Vũ Từ Công.
Trước đó, quá trình thanh tra về công tác quản lý vốn vay, vốn hỗ trợ, tiền gửi và công nợ tại VEAM, Bộ Công thương phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu vi phạm hình sự và đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra, xử lý. Trong số này có việc sử dụng nguồn vốn hơn 112 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất 191 và 193 Bà Triệu (Hà Nội) tại Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo trong dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo.
Cho vay trái luật
Theo Thanh tra Bộ Công thương, tại thời điểm 21.12.2017, VEAM đã cho các đơn vị thành viên vay vốn có giá trị gốc lẫn lãi trên 658 tỉ đồng. Nếu tính cả khoản lãi phải thu trong các năm 2016 và 2017 là xấp xỉ 701 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 6.2018, tổng số tiền cho vay chưa thu còn hơn 595 tỉ đồng. Trong số này, nợ phải thu quá hạn 6 - 12 tháng là 19,4 tỉ đồng; nợ quá hạn 1 - 2 năm là 6,3 tỉ đồng; nợ phải thu quá hạn từ 3 năm trở lên hơn  258 tỉ đồng. Điển hình như tại TAMAC, công ty còn nợ VEAM tiền vay 27,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm 31.12.2017, khoản tiền hỗ trợ TAMAC là 49,7 tỉ đồng “trái với chỉ đạo của Bộ Công thương tại văn bản cuối năm 2016”. “VEAM cho các đơn vị thành viên vay tiền là trái quy định. Điều lệ tổ chức và hoạt động của VEAM có thể lập công ty tài chính trực thuộc để thực hiện chức năng tín dụng. Tuy nhiên, VEAM không thực hiện theo quy định. Tổng công ty không phải là pháp nhân có chức năng tín dụng theo luật Các tổ chức tín dụng năm 2010”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công thương cho biết, nhiều khoản vay lãi suất thấp, thậm chí có đơn vị vay không tính lãi như tại TAMAC, Cơ khí Mê Linh… Đặc biệt, các khoản vay đều đã quá thời hạn, phần lớn các đơn vị được vay đều kinh doanh thua lỗ, khả năng trả nợ gốc và lãi rất khó khăn, nhưng liên tục được gia hạn nợ gốc và giảm lãi, thậm chí miễn lãi suất như khoản 49,7 tỉ đồng cho TAMAC vay năm 2017; hay với Công ty động cơ máy nông nghiệp miền Nam, Viện Công nghệ… “Việc cho vay và tính lãi, miễn lãi của VEAM không có quy định cụ thể bằng văn bản, một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nợ”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Mất vốn chủ sở hữu
Trong khi vốn được sử dụng tràn lan, thì hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, gây mất vốn chủ sở hữu. Điển hình là Nhà máy ô tô VM kinh doanh trong giai đoạn 2010 đến 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM hơn 331 tỉ đồng. Hoặc đến thời điểm ngày 1.1.2018, TAMAC đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị âm vốn hơn 36 tỉ đồng. Còn tổng số tiền kinh doanh thua lỗ, mất vốn tại một số đơn vị thành viên lên đến xấp xỉ 380 tỉ đồng.
Thanh tra Bộ Công thương cho biết, việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Điển hình nhất là vụ việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại.
Một vụ việc nổi cộm khác là mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty. Việc mua 3.000 bộ linh kiện này không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT, tổng giám đốc theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.
Đây là hai vụ việc mà Bộ Công thương đã chuyển sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. Bộ Công thương chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014, và là tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng hội đồng thành viên (HĐQT), ban tổng giám đốc…
Liên quan đến các sai phạm này, hồi tháng 7 vừa qua, ông Trần Ngọc Hà đã bị cho thôi chức vụ tổng giám đốc VEAM và bị bãi miễn chức vụ trong Đảng.
Thái Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm