Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bất ngờ đô thị thông minh lần đầu tiên xuất hiện ở Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 16/11, UBND tỉnh Bình Định chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) do Tập đoàn FPT phối hợp đầu tư và triển khai.

Việc xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) là nội dung then chốt nằm trong Quyết định số 2534/QĐ-UBND do UBND Tỉnh Bình Định ban hành về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Trung tâm IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh, từ đó kết nối chặt chẽ thông tin và tương tác giữa cơ quan nhà nước, chính quyền và người dân, doanh nghiệp.


 

 UBND tỉnh Bình Định chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Ảnh: DT.
UBND tỉnh Bình Định chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Ảnh: DT.


Được triển khai trong vòng 6 tháng, Trung tâm IOC tỉnh Bình Định đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông với 8 dịch vụ: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; Dịch vụ an ninh trật tự đô thị; Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; Dashboard tổng hợp giám sát, điều hành; Hệ thống giám sát dịch vụ công; Hệ thống thông tin kinh tế xã hội.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thí điểm thành công nhiều dịch vụ đô thị thông minh với các ứng dụng và dịch vụ tiện ích, ghi nhận phản hồi tích cực của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Trung tâm IOC Bình Định ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ 4.0 như công nghệ IOT (kết nối vạn vật) trong việc kết nối các sensor, camera giám sát, hệ thống quản lý dữ liệu video và phân tích hình ảnh cho phép hiển thị video dưới dạng lưới thông qua việc tích hợp tất cả các camera của tỉnh.


 

Bình Định sở hữu đô thị Quy Nhơn phát triển theo cách riêng, tôn trọng không gian cộng đồng. Ảnh: ND.
Bình Định sở hữu đô thị Quy Nhơn phát triển theo cách riêng, tôn trọng không gian cộng đồng. Ảnh: ND.


Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc phân tích từ ngữ, phân tích dữ liệu lớn phục vụ giám sát bảo mật, an toàn thông tin, giám sát thông tin báo chí, thông tin truyền thông trên không gian mạng và hỗ trợ tra cứu, trả lời tự động, phục vụ người dân.

Hệ thống phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như Big data, BI, trong việc tích hợp, phân tích, cung cấp các báo cáo, thống kê phục vụ lãnh đạo tỉnh ra các quyết định để phát triển kinh tế xã hội.

Triển khai và vận hành theo nguyên tắc Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung, tất cả các hoạt động đầu tư hệ thống cảm biến phục vụ cho các dịch vụ đô thị thông minh của các ngành đều kết nối, truyền dữ liệu về trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, từ đó sử dụng công nghệ để chia sẻ, phân quyền cho các ngành, là cơ sở quan trọng để hình thành kho dữ liệu lớn dùng chung.

 

Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.


Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tuy mới vận hành thử nghiệm nhưng Trung tâm IOC bước đầu phát huy tính năng, hiệu quả, giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.

Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

"Thông qua ứng dụng Bình Định SmartCity, người dân có thể phản ánh các thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh nhất và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời các ý kiến của người dân sớm nhất. Đây là bước đi cực kỳ quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các mặt của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Lâm Hải Giang cho hay.

 


Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Bình Định là mô hình thể hiện sự tiên tiến, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu đổi mới quảnlý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…

Trung tâm IOC sẽ tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với việc mở rộng các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế… đồng thời tiếp tục nâng cấp Trung tâm IOC, mở rộng các tiện ích, bổ sung các tính năng của dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai giai đoạn 1.

https://danviet.vn/bat-ngo-do-thi-thong-minh-lan-dau-tien-xuat-hien-o-binh-dinh-20211116105522361.htm

 

Theo  VŨ CHI (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm