Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bất thường vụ bán gỗ sưa cổ thụ ở Quảng Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Loạt cây gỗ sưa cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm trong rừng phòng hộ Ma Phan (thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, H.Phú Ninh, Quảng Nam) đã bị một người dân bán cho doanh nghiệp vào khai thác, khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.


“Báu vật” của làng bị chặt bán ?

Tại tiểu khu 577 rừng phòng hộ Ma Phan, hàng loạt cây gỗ sưa có đường kính từ 60 - 80 cm bị chặt hạ vết cắt còn rất mới. Nhiều gốc cây cổ thụ 3 người ôm không xuể đã bị bứng nằm ngổn ngang. Ngoài lượng lớn số gỗ đã lấy đi, tại hiện trường vẫn còn hàng chục khúc gỗ sưa đã được xẻ chất thành đống chưa kịp vận chuyển ra ngoài. Ngoài ra, gần tiểu khu 577 nhiều cây gỗ muồng đen cũng bị đốn hạ.

 

Sưa được cắt thành khúc chờ vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Mạnh Cường
Sưa được cắt thành khúc chờ vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Mạnh Cường


Ông N.D.H (65 tuổi, ở xã Tam Lộc) cho hay, khu vực rừng phòng hộ Ma Phan trước đây vốn là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, những cây sưa này được người dân trồng từ đó. Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy ra, mọi người di tản và không trở về lại quê cũ. Khu vực này sau đó được quy hoạch thành rừng phòng hộ Ma Phan và do xã Tam Lộc quản lý. Kể từ đó, cây cối trong rừng phòng hộ cũng bị cấm khai thác.

“Rừng sưa trong rừng phòng hộ Ma Phan được người dân xem như là “báu vật” của làng mà các bậc tiền nhân để lại. Mỗi cây sưa có tuổi đời từ 100 - 200 tuổi. Bao đời nay nhiều thế hệ ra sức bảo vệ, không ai dám đụng đến một nhánh cây trong cánh rừng này. Nhưng đùng một cái, khoảng 10 ngày nay người ở đâu lại vào chặt hạ hàng loạt cây sưa rồi đưa ra khỏi rừng, chở đi bán”, ông H. bức xúc.

 

Kiểm lâm địa bàn chủ quan ?

Mới đây, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND H.Phú Ninh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam về việc khai thác gỗ sưa trong rừng phòng hộ Ma Phan. Theo đó, việc khai thác những cây sưa này mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trong sơ đồ không có tọa độ thể hiện trên giấy chứng nhận để xác định vị trí nên kiểm lâm địa bàn chủ quan xác định nguồn gốc toàn bộ số cây trên nằm trong khu vực đã được cấp giấy và chủ sở hữu là của ông Quang, dẫn đến việc hướng dẫn cho ông Quang khai thác.

 


Theo ông H., người dân chỉ biết số gỗ sưa này được một người ở TP.Hà Nội vào thu mua. Người trực tiếp thu mua nói rằng đã được các cơ quan chức năng cho phép khai thác, có giấy tờ hợp pháp. “Người dân chúng tôi không biết cơ quan chức năng nào cấp phép, nhưng việc cấp phép khai thác trong rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật. Gỗ sưa vô cùng quý hiếm nằm trong rừng phòng hộ nhưng lại cấp phép chặt hạ để bán là không thể chấp nhận được. Phải có sự đồng tình từ cơ quan quản lý và nhóm người khai thác thì mọi việc mới diễn ra tự nhiên như vậy. Họ khai thác ngang nhiên và chở ra bìa rừng cũng rất ngang nhiên. Chúng tôi cần một lời giải thích cụ thể từ địa phương cũng như đơn vị quản lý rừng phòng hộ Ma Phan”, ông H. yêu cầu.

Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, một cán bộ xã Tam Lộc cho rằng, thực sự rất xót xa khi chứng kiến nhiều cây gỗ sưa quý hiếm trong rừng phòng hộ Ma Phan bị chặt hạ. “Dân rất phẫn nộ, bởi người dân giữ từ bao đời nay rồi. Khi người dân phát hiện khai thác 8 cây sưa thì rất bức xúc và trình báo địa phương nên chúng tôi mới đi kiểm tra. Hiện các phách gỗ lớn đã được chuyển ra khỏi bìa rừng”, vị này nói.

Khai thác nhưng không thông qua xã

Theo tìm hiểu của PV, rừng phòng hộ Ma Phan có diện tích 327 ha. Trong đó, 210 ha rừng tự nhiên giao cho xã Tam Lộc quản lý, diện tích còn lại là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất trống và đất người dân tự khai hoang canh tác lâu đời. Năm 2004, UBND TX.Tam Kỳ (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Quang (thôn Tây Lộc) với diện tích 5,4 ha nhưng không xác định được tọa độ chính xác, mục đích sử dụng xây dựng trang trại chăn nuôi. Một số cây sưa đã khai thác vẫn chưa xác định rõ là có nằm trên đất của ông Quang hay không.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, cho biết số sưa bị đốn hạ trong rừng phòng hộ Ma Phan là do ông Nguyễn Văn Quang đứng ra bán vì số cây sưa này nằm trên đất đã cấp số đỏ cho ông Quang. “Việc bán số cây sưa này là ông Quang làm hồ sơ trực tiếp gửi kiểm lâm xin bán chứ không hề có giấy tờ gì thông qua xã. Lực lượng kiểm lâm có vào rừng kiểm tra, xác nhận số cây sưa này nằm trên đất ông Quang nên khẳng định việc khai thác bán là hợp pháp”, ông Bình nói.

“Làm việc với xã thì ông Quang cũng thừa nhận mình là người đứng ra bán nhưng người nhận tiền lại là ông Lương Ngọc Anh. Mỗi cây sưa cũng chỉ bán được với giá chỉ 2 triệu đồng. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên H.Phú Ninh để có hướng xử lý”, ông Bình nói.
Chờ báo cáo của kiểm lâm

Ông Lương Ngọc Anh (62 tuổi, ở thôn Tây Lộc) cho biết số cây sưa là thời ông nội trồng, tuy nhiên do nằm trên đất đã cấp phép cho ông Nguyễn Văn Quang nên đã nhờ ông Quang đứng ra chạy giấy tờ để bán. “Bên mua thì họ “chạy” giấy tờ đâu từ kiểm lâm nên được khai thác và vận chuyển. Tôi chỉ hợp đồng bằng miệng với họ chứ giữa hai bên không có giấy tờ gì cả. Họ khai thác cây nào nhận tiền cây đó. Mỗi cây chỉ bán với giá 2 triệu đồng thôi chứ không có nhiều. Biết là bán với giá quá rẻ nhưng vì mình không chạy được giấy tờ được nên đành phải chấp nhận”, ông Anh nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND H.Phú Ninh, cho biết huyện đang đôn đốc và giao cho Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam kiểm tra, báo cáo cụ thể. Khi có báo cáo thì mới biết đúng sai thế nào. Ai sai, trách nhiệm ở đâu, lúc đó mới ra vấn đề.

 

Theo MẠNH CƯỜNG-ĐỨC TÀI (TNO)

Có thể bạn quan tâm