Kinh tế

Doanh nghiệp

Bầu Đức ế khách, mong 1 đại gia ra tay "cứu giá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi thị trường gặp cảnh “chợ chiều”, ít nhà đầu tư nào thèm ngó ngàng đến các đợt gọi vốn thêm từ các đại gia. Không chỉ trường hợp công ty nông nghiệp của bầu Đức “ế ẩm”, nhiều công ty khác cũng đau đầu vì rao bán hay phát hành thêm đúng dịp thị trường đi xuống.

Trường hợp mới đây là của bầu Đức với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Công ty này chỉ bán được 22 trái phiếu chuyển đổi trong tổng số 221.710 trái phiếu đăng ký chào bán.

 

 

Số trái phiếu chuyển đổi mà HAGL Agrico chào bán trong đợt này có thời hạn 1 năm, lãi suất 0% và không được bảo lãnh. Giá chào bán 10 triệu đồng/trái phiếu, tương đương với 10.000 đồng/cổ phiếu khi chuyển đổi.

Theo kế hoạch, số tiền 2.217 tỷ đồng thu được sẽ dùng hơn một nửa để tiếp tục đầu tư trồng cây, còn lại để tái cơ cấu tài chính. Nhưng bầu Đức chỉ thu về 220 triệu đồng sau đợt phát hành trái phiếu.

Trước đó, tại kỳ đại hội cổ đông thường niên mới đây, bầu Đức cho biết hiện tại, diện tích trồng cây ăn quả khoảng 13.000 ha, kì vọng nâng lên con số 20.000 ha vào năm 2020.

“Năm 2018 doanh thu vẫn sẽ khiêm tốn”, bầu Đức chia sẻ về mô hình trồng cây ăn quả phải mất nhiều năm mới thu hoạch được.

Rõ ràng, HNG đang đặt nhiều niềm tin vào các loại cây ăn quả, nhưng để đến được tương lai đó, công ty phải có vốn. Thực tế hiện nay, khả năng đi vay của Hoàng Anh Gia Lai là rất khó khi công ty này vẫn đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ.

Bầu Đức cần các cổ đông có “thực lực” hơn, như chính ông cũng thừa nhận trong kì đại hội vừa qua. Sau khi “cầu cứu” các cổ đông hiện hữu thất bại, HAGL Agrico dự định tìm các nhà đầu tư bên ngoài, với giá bán không thấp hơn mức chào giá với cổ đông hiện hữu, các điều kiện giữ nguyên. Đại diện HNG cho biết công ty đang tìm kiếm đối tác lớn có khả năng phát triển mảng nông nghiệp.

Nhưng không chỉ có công ty nông nghiệp của bầu Đức mới gặp tình trạng “ế”. Mới đây, nhiều công ty khác cũng đau đầu vì rao bán hay phát hành thêm đúng dịp thị trường đi xuống.

Chẳng hạn, Ngân hàng Vietinbank (CTG) chỉ bán được 243.510 trái phiếu, tương đương 60,88% lượng chào bán. Đây là trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 10 triệu đồng, lãi suất thả nổi và xác định bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng có vốn nhà nước) cộng thêm 0,8%.

Một trường hợp khác là quyền mua cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) cũng bị từ chối.  Trước đó, trong phiên đấu giá quyền mua của Bộ Giao thông Vận ngày 22/5, có 9 nhà đầu tư mua tổng cộng 262.000 quyền mua với giá trúng bình quân là 6.026 đồng/quyền mua, nhưng đến hạn chót thì chẳng có ai đến nộp tiền, cũng không nhận lại tiền cọc.

Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo điều chỉnh thời gian thực hiện quyền mua cổ phiếu của HVN, thay vì ngày 2/7 thì đến hạn cuối đến tháng 7.

Các đợt phát hành thêm có chung mục đích là để gọi vốn cho tăng trưởng. Báo cáo từ những công ty này vẫn cho thấy kết quả kinh doanh thuận lợi trong thời gian qua. Nhưng rõ ràng, nhà đầu tư không đặt niềm tin vào những con số tăng trưởng trong thời điểm hiện tại.

Thị trường chứng khoán gần đây đi xuống liên tiếp là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư không mặn mà gì với những đợt phát hành thêm từ phía doanh nghiệp, dù là khoản đầu tư dài hạn như trái phiếu.

Tính đến ngày 5-7, giá cổ phiếu HVN đạt 29.300 đồng/cổ phiếu, giảm 12,31% so với cuối tháng 6. Còn cổ phiếu CTG đạt 20.500 đồng/cổ phiếu, giảm 15,46% với cùng mốc thời gian.

Tuy nhiên, cổ phiếu HNG của bầu Đức trong thời gian qua lại tăng vọt, bất chấp thị trường có những đợt giảm mạnh. Tính đến ngày 4/7, thị giá HNG ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu, lần đầu tiên vượt mệnh giá trong năm nay.

Nhưng đồng thời, cổ phiếu HAG của bầu Đức lại giảm mạnh, hiện chỉ có mức giá 4.900 đồng/cổ phiếu và đã rơi vào diện cảnh báo. Bầu Đức từ đầu năm đến nay phải chi tiền liên tục để mua vào cổ phiếu, nhưng xem ra vẫn như “muối bỏ bể”.

Tính đến ngày 4-7, chỉ số VN-Index chỉ còn 883,77 điểm, giảm 1,9% so với phiên trước đó. Theo công ty chứng khoán SSI, thị trường mất điểm do lực bán bán từ các nhà đầu tư trong nước.

“Áp lực từ căng thẳng thương mại Việt - Trung vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Các nhà đầu tư lo ngại xung đột thương mại đang chuyển từ đe dọa sang hành động và có thể tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế kinh tế và lợi nhuận các công ty niêm yết”, SSI nhận định.

Gia Hưng/vietnamnet

Có thể bạn quan tâm