Khi đến thủ đô Myanmar, giờ đã rờ rỡ nổi bật từ xa hàng chữ Việt Nam. Tâm nguyện của Bầu Ðức là muốn có một ngôi nhà Việt Nam tại cố đô Yangon, ở Myanmar này. Ðiều đó bây giờ đã trở thành hiện thực. Trên nóc nhà cao ngất 27 tầng của Khu phức hợp- Trung tâm thương mại Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dòng chữ Việt Nam như một thứ mời gọi, quảng cáo?
Bầu Ðức với các yếu nhân, TBT, Phó Thủ tướng CHDCND Lào
Từng hanh thông của HAGL, và Ngân hàng Đầu tư phát triển BIDV được cấp giấy phép khai trương chi nhánh ngân hàng ở Yangon- Myanmar. Và bây giờ đại gia Viettel cũng chuẩn bị khai trương việc làm ăn lớn với Liên doanh viễn thông Myanmar. Cái biển hiệu Việt Nam cùng ngôi nhà Việt kia như đang phát đi một thông điệp mời gọi nhiều sự đầu tư tâm, tầm và tài của doanh nhân quốc tế và Việt đến Myanmar.
Qua câu chuyện của một thương vụ đầu tư thôi cho thấy cái tầm nhìn của Bầu Đức tự bao giờ đã vượt tầm hạn hẹp của cái anh thương gia phố núi Gia Lai? Và trong khó khăn, những thương gia có tâm có tầm và nếu có tài (cả tài năng lẫn tài chính) cũng cần phải có cái nhìn thẳng thắn trung thực?
Câu chuyện Bầu Đức đầu tư bên Lào gần như một huyền thoại người ta đã nói nhiều. Tôi nhớ lần được đi với các nhà đầu tư Việt Nam trong đó có Bầu Đức đến tư gia Tổng Bí thư (TBT) kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Saysone. Thoáng chút ngạc nhiên các vị đây phải như thế nào mới được TBT kiêm Chủ tịch nước Lào thân mời đến nhà riêng và tiếp như người nhà
thế này?
…TBT kiêm chủ tịch nước Lào khi ấy xích thêm gần cái ghế về phía các nhà đầu tư Việt. Có cảm giác họ chẳng bỡ ngỡ lạ lẫm gì nhau, rằng những cuộc gặp như thế này là thường? Chợt nhớ nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào, nhà thơ Tạ Minh Châu có thuật lại một cuộc gặp trước đó giữa doanh nhân Việt và TBT , Chủ tịch nước Chummaly Saysone. Đại sứ Tạ Minh Châu bộc bạch ấn tượng rằng câu chuyện thoắt trở nên không khí gia đình thân gần. Như một vị cao niên, trưởng thượng bàn với đám con cháu việc làm ăn, nhưng ở tầm lớn. TBT Chummaly Saysone bộc bạch với Đại sứ Châu và Bầu Đức thế này. Quê tôi Attapeu còn nghèo lắm. Hàng chục năm sau giải phóng rồi mà đời sống bà con vẫn khó khăn. Băn khoăn nhiều, bởi nơi đó từng là căn cứ địa cách mạng. Đồng bào chịu đựng gian khổ hy sinh mất mát nhiều mà mình chưa làm được gì nhiều cho bà con. Thú thực nhiều khi bác thấy xấu hổ không muốn về thăm quê. Các cháu xúm tay vào lo cùng với bác nhé…
Những cú hích đầu tư của Bầu Đức như trồng mía đường, cao su, nuôi bò sữa… và nhiều cụm công nghiệp khác làm biến đổi bộ mặt quê hương Tổng Bí thư. Từ tỉnh nghèo nhất nước Lào, Attapeu trở thành địa phương có GDP cao nhất, nhanh nhất nước Lào. Nạn du canh du cư giảm bớt. Rất nhiều người dân trở thành công nhân của các nông trường chăn nuôi, trồng mía, cao su…Attapeu vừa được Bầu Đức xây bệnh viện 200 giường và hơn 1.000 ngôi nhà tình nghĩa. Rồi giai đoạn I sân bay Attapeu mới khánh thành…
Lần gặp này vẫn là sự nối dài không khí thân tình ấy. Như hiện trạng đàn bò sữa giống của Úc và Nhật hàng ngàn con ở cao nguyên Ataupeu, một trong nhiều hướng hiệu quả đầu tư của HAGL- Bầu Đức vào Lào. Cả kế hoạch xây dựng sân bay Attapeu và sẽ khánh thành giai đoạn I sắp tới đến từng chi tiết. Tôi cũng được biết sân bay này Bầu Đức đầu tư tổng giá trị nhiều triệu USD.
Thời gian gần đây đang có không ít những ì xèo và những điều tiếng về những khoản nợ và thua lỗ của Bầu Đức. Ngó những biên kê nợ nần như giăng dầy tứ bề, như thứ bĩ cực bây giờ của Bầu Đức không thể không nhớ đến những mốc son thời hanh thông. Năm 2002, HAGL quyết định đưa tiền đạo số một Đông Nam Á - Kiatisuk về Gia Lai với mức lương khiến giới chuyên môn, người hâm mộ sửng sốt. Ít người biết để làm được việc đó Bầu Đức đã hơn 2 tháng nằm mật phục ở thủ đô BangKok. Rồi sự kiện Bầu Đức hợp tác với Arsenal và khai trương Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên phố núi Gia Lai với quy trình đầu tư bài bản cho tài năng bóng đá Việt. Mức chi phí tròm trèm 70 tỷ/năm. Rồi chuyện Bầu Đức sở hữu chiếc Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD, chi phí hàng tháng cho nó ngốn cả núi tiền.
Liệu bầu Đức có vượt thoát những cơn bĩ cực để rồi lại thanh thoát như thời điểm năm 2008, lên sàn chứng khoán và trở thành người giàu nhất Việt Nam?
190 triệu cổ phiếu (tương đương 1.900 tỷ đồng) của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên sàn TPHCM, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nắm giữ 55% cổ phần, tương đương khoảng 104 triệu cổ phiếu.
Và bây giờ liệu Bầu Đức có thêm nghị lực để vượt thoát khi hàng triệu ánh mắt cả lương dân Việt đang dõi lại với ít nhiều vị tha khi soát xét những gắng gỏi thành lẫn bại của một đại gia phố Núi? Và cũng ngần ấy ánh nhìn ngưỡng mộ khi vừa ló dạng một Bầu Đức từng khôn khéo rước bằng được ông thầy Park về vực dậy nền bóng đá Việt. Lần lượt những tài những tầm và cả tâm nữa từ Học viện HAGL đã lặng lẽ và hoành tráng trong đội hình bóng đá Việt mang chuông đi đánh xứ người. Rồi trong tứ bề nợ nần vẫn âm thầm đãi ngộ cẩn trọng HLV Par Hang Seo hơn một năm nay thay cho VFF?
Và trong cơn bĩ cực của Bầu Đức không thể không trích ra đây đoạn tâm thư trong thời điểm khó khăn mà Bầu Đức như một sự bạch hóa của mình gửi đến khách hàng, đến những nhà đầu tư đến chủ nợ. Trong những thời điểm đầy trắc trở, HAGL đầy khó khăn và thử thách, chúng tôi thật sự cần có đủ thời gian và cần sự kiên nhẫn của cổ đông, nhà đầu tư. Hiện nay HAGL gặp khó khăn về dòng tiền, tuy nhiên chúng tôi cho rằng khó khăn này chỉ là tạm thời vì các dự án đầu tư của HAGL đều có nhiều tài sản giá trị, có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ nếu được tiếp tục đầu tư, chăm sóc và tăng cường quản lý hơn nữa. Với việc thực hiện tái cơ cấu nợ thì chúng tôi tự tin sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển”.
Có lẽ nghị lực cùng sự tử tế của Bầu Đức chả bao giờ muộn?
Xuân Ba (Tiền Phong)