“Bầu” Kiên lại bị tố lừa hàng trăm tỉ đồng. |
Ngày 20.8.2012, ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố bắt giam với tội danh "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế. Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 4.2014 và phúc thẩm vào tháng 11.2014, tòa đã tuyên án "bầu Kiên" tổng cộng là 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỉ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo; cấm giữ mọi chức vụ về ngân hàng, tài chính trong vòng 5 năm sau khi ra tù.
Thế nhưng, việc chưa dừng lại ở đó. Mới đây, "bầu" Kiên lại bị tố cáo ra cơ quan pháp luật về những thủ đoạn chiếm đoạt hàng trăm tỉ...
Chiếm trăm tỉ đồng “chuyển cho” em gái
Bằng con đường mua bán, sở hữu lòng vòng các Cty của gia đình, vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên - Đặng Ngọc Lan đã thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại Cty Hòa Phát Á Châu, làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của công ty này.
Theo đơn tố cáo bổ sung về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của “bầu” Kiên mà Cty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG) vừa gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, ông Kiên, bà Lan có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của AFG. Tài sản này là 30% vốn góp của AFG tại Cty Cổ phần bất động sản Hòa Phát - Á Châu (HPAC).
HPAC thành lập năm 2008, vốn điều lệ ban đầu 300 tỉ đồng, gồm các cổ đông là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Cty AFG và 2 cá nhân là bà Nguyễn Thúy Hương, Nguyễn Thúy Lan (đều là em gái ông Kiên).
Sau đó, HPAC tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỉ đồng nhưng tính đến cuối năm 2014, các cổ đông mới góp được 506 tỉ đồng. Trong đó, ACB góp 51,4 tỉ đồng (chiếm 10% vốn điều lệ); AFG góp 151,2 tỉ đồng (30%); bà Nguyễn Thúy Hương góp 100,8 tỉ đồng (20%) và Nguyễn Thúy Lan góp 202,6 tỉ (chiếm 40% vốn điều lệ).
Thực tế, số vốn bà Nguyễn Thúy Hương góp vào HPAC để nắm 20% cổ phần là do ông Kiên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ở AFG (ông Kiên chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AFG) đã chuyển trái phép 100 tỉ đồng của AFG cho bà Hương. Vụ việc này AFG đã tố cáo đến Công an Hà Nội cuối năm 2017. Hiện nay Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đang thụ lý giải quyết. Bà Hương cũng đã có văn bản xin được hoàn trả lại số tiền này. Số cổ phần sở hữu từ tiền chiếm đoạt của AFG được bà Hương bảo lãnh nợ cho Cty Thiên Nam (Cty của ông Kiên - bà Lan, do ông Kiên làm chủ tịch), Cty Thiên Nam không trả nợ và bà Hương cũng không đồng ý cho ACB bán cổ phần thu nợ.
Với tư cách người có quyền, nghĩa vụ cao nhất tại AFG, ông Kiên đã dùng số cổ phần của AFG tại HPAC để thao túng Cty này. Theo đó, ông Kiên ký hợp đồng (số 04) với chính vợ mình là bà Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Cty Cổ phần đầu tư thương mại B&B, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của AFG tại HPAC cho B&B (cũng là Cty của gia đình bầu Kiên). Giá trị chuyển nhượng 30% cổ phần của AFG tại HPAC là hơn 647,4 tỉ đồng. Đáng chú ý, ông Kiên cũng chính là Chủ tịch HĐQT Cty B&B
Điều khiến các cổ đông AFG bức xúc là theo hợp đồng chuyển nhượng, Cty B&B phải thanh toán toàn bộ số tiền trước ngày 31.7.2015, nhưng Cty này chỉ trả hơn 55 tỉ dồng tiền đặt cọc. Số còn lại hơn 592,3 tỉ đồng đã không được thanh toán như thỏa thuận.
Chi 55 tỉ đồng “đổi”… 647,4 tỉ đồng của vợ chồng “bầu” Kiên
Mặc dù chưa thanh toán số tiền hơn 592,3 tỉ đồng theo hợp đồng, chưa được sang tên chủ sở hữu, nhưng bà Lan đã sử dụng tư cách của AFG để tham gia điều hành, chi phối hoạt động HPAC bằng cách giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Việc bà Lan đại diện cho AFG tại HPAC đến nay vẫn không được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận, việc này Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có công văn nêu rõ.
Bằng việc làm đại diện phần góp của AFG tại HPAC và nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT HPAC, bà Đặng Ngọc Lan đã lập kế hoạch và thực hiện việc “rút ruột” tài sản của HPAC gây thiệt hại lên đến 400 tỉ đồng, cụ thể như sau: HĐQT của HPAC (bà Lan là Chủ tịch HĐQT, Thúy Hương và Thúy Lan (đều là em ruột ông Kiên) là thành viên HĐQT của HPAC) đã trình Đại hội cổ đông bán tài sản duy nhất có giá trị của HPAC là 16,67% cổ phần trong Cty V.V.
Ngày 19.9.2014, Đại hội cổ đông bất thường HPAC diễn ra “theo sự sắp đặt” này, bà Lan với tư cách là Chủ tịch HĐQT của HPAC, là người triệu tập họp Đại hội cổ đông, là người tổ chức cuộc họp, là người trình các nội dung họp Đại hội đồng cổ đông, trình việc bán tài sản này nên không thể nói bà Lan không biết bán tài sản với giá rất rẻ bất thường này.
Nhưng, mặc dù có mặt tại cuộc họp với tư cách là đại diện phần vốn góp của AFG, bà Lan đã cố tình không đăng ký cho AFG dự họp bởi bà Lan biết rất rõ với tư cách là đại diện phần vốn góp của AFG tại HPAC thì bà Lan phải bảo vệ quyền lợi cho AFG theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi đó, bà Lan không thể biểu quyết thông qua cho HPAC bán tài sản này với giá thấp hơn hoặc bằng mệnh giá, thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Do đó, nếu bà Lan dự họp với tư cách AFG thì tỉ lệ biểu quyết thông qua chỉ có thể là 60% (bao gồm bà Hương 20%, bà Thúy Lan 40%). Theo quy định tại Điều 35 của Điều lệ thì việc bán tài sản phải được 75% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp thông qua và Điều 144 Luật Doanh nghiệp thì việc bán tài sản này phải được 65% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp thông qua.
Như vậy, rõ ràng, bà Lan đã cố tình không dự họp với tư cách đại diện cho AFG để việc biểu quyết thông qua bán tài sản này được thực hiện trót lọt (cụ thể chỉ có 10% của ACB phản đối nên với 60% của bà Hương và bà Thúy Lan đồng ý thì tỉ lệ thông qua việc bán tài sản này là 85%). Việc không đăng ký dự họp với tư cách đại diện của AFG này là hoàn toàn nằm trong sự tính toán của bà Lan cũng như là nguyên nhân chính để bà Lan có thể quyết định việc bán 16,67% cổ phần tại Cty CP phát triển đô thị V.V cho Cty Hoa Hướng Dương với giá bằng mệnh giá (10.000đ/cổ phần), trong khi giá trị giao dịch thực tế là 1,93 lần mệnh giá, qua đó HPAC thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng.
Sau khi đã bán tài sản, gây thiệt hại cho cổ đông HPAC, bà Lan với tư cách Tổng giám đốc B&B lại ký văn bản gửi AFG, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (hợp đồng số 04) trước đó, “đòi” lại sồ tiền đặt cọc 55 tỉ đồng.
Năm tháng sau, vào cuối 2015, Cty Hoa Hướng Dương bán toàn bộ cổ phần sở hữu cho một đơn vị khác với mệnh giá cao hơn 1,93 lần, trong khi bà Lan chỉ bán cổ phần cho Hoa Hướng Dương bằng 1 lần mệnh giá.
AFG cho rằng các giao dịch lòng vòng, trái phép của vợ chồng “bầu” Kiên đã làm 400 tỉ đồng của HPAC thất thoát, mà tài sản của HPAC chính là tài sản của các cổ đông là AFG và ACB.
Việc tự ý chuyển nhượng cổ phần của AFG tại HPAC khi chưa có sự đồng ý của cổ đông của ông Nguyễn Đức Kiên còn bị AFG tố cáo là có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi phần lớn số cổ phần này (13.800.000 cổ phần) đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB mà ông Kiên là người đại diện theo pháp luật của AFG ký hợp đồng thế chấp để vay vốn.
Theo ACB, việc bán tài sản thế chấp khiến ngân hàng này bị thiệt hại 266 tỉ đồng. Số cổ phần đang thế chấp để đảm bảo khoản nợ vay của AFG hiện vẫn bị phong tỏa, AFG chưa thực hiện thanh toán nợ cho ACB.
Nhóm PV (LĐO)