Cháu bé đang ăn thì quấy khóc, nôn ra máu; các bác sĩ phát hiện sợi kim loại dài 2 cm sắc nhọn cắm sâu trong họng bé.
Sợi sắt cắm sâu 1/3 chiều dài trong họng cháu bé. |
Ngày 28/8, khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhập bệnh nhi 11 tháng tuổi có biểu hiện hóc dị vật. Bé đang ăn thì bỏ ăn, quấy khóc, nôn ra cháo lẫn một ít máu tươi. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện và tiến hành gắp bỏ sợi kim loại mảnh, nhọn hai đầu, dài khoảng 2 cm đang cắm trong vùng họng cháu bé. Nguyên nhân được xác định do sợi kim loại rớt ra từ chiếc rây lẫn trong cháo, khiến bé nuốt phải.
Bác sĩ Bùi Viết Tuấn, công tác tại khoa khoa Tai - Mũi - Họng bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho hay: buổi sáng trước khi nhập viện, cháu bé được mẹ cho ăn cháo lươn và không lâu sau có những triệu chứng như trên. Nghi ngờ bé bị hóc xương, gia đình đưa cháu tới bệnh viện và kịp thời xử lý. Theo bác sĩ Tuấn, trường hợp của bệnh nhi này khá may mắn bởi dị vật chưa xuống quá sâu, lúc tiến hành gắp, sợi sắt cắm ngập 1/3 chiều dài; hiện sức khỏe của em bé đã ổn định.
Nguyên nhân khiến cháu bé bị hóc là sợi sắt rơi ra từ rây lọc cháo. |
Rây lọc là vật dụng quen thuộc các bậc phụ huynh thường sử dụng trong các gia đình có trẻ nhỏ với mục đích loại bỏ xương cá, gà và lợn có trong cháo. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó vô tình trở thành nguy cơ gây nguy hại tới sức khỏe của trẻ. Trong quá trình chăm sóc con, các ông bố, bà mẹ cần hết sức cẩn thận bởi "hiểm họa có thể đến từ những điều đơn giản nhất", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh. Trước khi sử dụng rây lọc bột, cháo cho bé, bố mẹ nên có bước làm vệ sinh, kiểm tra chất lượng, phát hiện và loại bỏ rây rách, thủng. Khi chọn mua rây lọc, khuyến khích lựa chọn loại chất lượng tốt, không han gỉ, dễ làm sạch.
Lam Trà (ngoisao)