(GLO)- Gia Lai hiện có 149 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương bước đầu xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu và vươn ra thị trường.
Nâng tầm sản phẩm nông thôn
Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đưa 3 sản phẩm là tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí tham gia Chương trình OCOP và cả 3 được chứng nhận đạt 4 sao. Năm 2020, HTX tiếp tục tham gia với sản phẩm cà phê Đak Yang và đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP của HTX được đưa đi trưng bày, giới thiệu tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện, tỉnh tổ chức; tham gia các hoạt động cung-cầu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
“Qua Chương trình OCOP, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng. Ngoài ra, HTX được các chuyên gia tư vấn và chính quyền địa phương hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX được mở rộng gấp đôi so với trước đây”-ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang-phấn khởi nói.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Lê Nam |
Cũng trong năm 2019, Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa) đưa sản phẩm bò khô Huy Vũ đi tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt 4 sao cấp tỉnh. Bà Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, lượng tiêu thụ vẫn được đảm bảo thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai. Sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...”.
Còn ông Phan Hữu Dương (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) cho hay: “Hiện nay, tôi có 2 sản phẩm là cà phê hạt rang nguyên chất và cà phê bột nguyên chất đạt tiêu chuẩn OCOP. Khi có chứng nhận OCOP, sản lượng cà phê tiêu thụ mỗi năm đạt 20 tấn, tăng 6 tấn so với thời điểm chưa được chứng nhận OCOP”.
Chắp cánh cho sản phẩm vươn xa
Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) là đơn vị đại diện cho các chủ thể OCOP Gia Lai ký kết hợp đồng với Siêu thị Co.op Mart Pleiku để thuê mặt bằng bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Hiện gian hàng đang trưng bày khoảng 50 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty-cho biết: Năm 2019, Công ty có 2 sản phẩm là viên tinh nghệ đỏ AGILA và tinh bột nghệ đỏ AGILA được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Chương trình OCOP đã giúp cho sản phẩm của tổ chức, cá nhân có cơ hội được quảng bá, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc và nhất là thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn 20-30%.
Gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Nam |
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Đak Đoa có 19 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Hiệu quả của Chương trình OCOP là rất lớn, bởi đây là cơ hội giúp sản phẩm của nông dân đảm bảo về mặt pháp lý như có nhãn mác, bao bì, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc, được hỗ trợ xây dựng trang điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm khác.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-khẳng định: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh nên Chương trình OCOP đã đạt hiệu quả cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm được quảng bá, xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và đã vươn ra được sân chơi lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chương trình OCOP là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn.
“Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta tiếp tục đưa OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế của tỉnh. Phấn đấu mỗi năm có thêm 50 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh và đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Để quảng bá, đưa sản phẩm của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến khích dùng sản phẩm OCOP làm tặng phẩm cho khách tham quan trong và ngoài nước. Đồng thời, chủ động phối hợp với các chủ thể có sản phẩm OCOP để hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm có chất lượng phù hợp và đảm bảo sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.
Sau 2 năm triển khai, toàn tỉnh có 149 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh (22 sản phẩm đạt 4 sao), tăng 98 sản phẩm so với kế hoạch giai đoạn 2018-2020. Trong đó, năm 2019 có 42 sản phẩm, năm 2020 có 107 sản phẩm, với 110 chủ thể tham gia (3 công ty cổ phần; 33 hợp tác xã; 19 công ty TNHH; 55 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh). Tổng kinh phí triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là hơn 31,7 tỷ đồng.
|
LÊ NAM