Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đã công bố kế hoạch cho sứ mệnh kéo dài cả năm trên mặt trăng để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài hơn đến sao Hỏa vào thập niên 2030.
NASA phác thảo kế hoạch đến sao Hỏa thông qua bệ phóng mặt trăng |
Sao Hỏa đang trở thành “cú nhảy vĩ đại kế tiếp của nhân loại” trong nỗ lực thám hiểm không gian, sau khi Mỹ đã thành công khi đưa phi hành gia đáp lên mặt trăng. Tuy nhiên, trước khi con người có thể cán đích hành tinh đỏ, các nhà du hành vũ trụ sẽ trải qua một loạt các bước chuẩn bị nhỏ hơn bằng cách quay lại vệ tinh tự nhiên của trái đất cho sứ mệnh chị Hằng kéo dài 1 năm.
Chi tiết về sứ mệnh trên quỹ đạo mặt trăng đã được công khai chi tiết tại sự kiện Humans to Mars Summit được tổ chức tại Washington (Mỹ) vào tháng 5, theo trang Space.com.
Greg Williams, Phó trợ lý quản lý về chính sách và kế hoạch của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đã phác thảo chương trình tổng quát gồm 4 bước, với hy vọng một ngày có thể đưa nhân loại đến hành tinh đỏ. Kế hoạch bao gồm nhiều chuyến du hành đến mặt trăng, xây dựng trạm không gian cho phép người ở, đồng thời đóng vai trò làm bàn đạp chuẩn bị cho cuộc hành trình kéo dài 7 tháng đến mục tiêu. Mảnh cuối cùng của dự án sẽ là nghiên cứu và hoàn thiện phi thuyền DST, cho phép mang người đến sao Hỏa. Và cuộc thí nghiệm mô phỏng hoạt động sinh sống trên sao Hỏa sẽ được tiến hành vào năm 2027, kéo dài suốt cả năm.
Phát biểu tại Mars Summit, ông Williams cho biết nếu có thể triển khai sứ mệnh mang người lên quỹ đạo mặt trăng trong 1 năm, các chuyên gia NASA sẽ thu thập được đủ thông tin để khởi động cuộc hành trình khứ hồi đến sao Hỏa, dự kiến khoảng 1.000 ngày. “Chúng tôi nỗ lực dẫn đầu cuộc du hành đến sao Hỏa với nhiều đối tác khác nhau. Và trong vài năm tới, chúng tôi sẽ gắn kết mọi khâu liên quan thành một chương trình cụ thể”, theo ông Williams. Tuy nhiên, tạm thời hai giai đoạn đầu của kế hoạch là thiết kế và đưa phi thuyền DST vào sử dụng, dự kiến sớm nhất là vào đầu năm 2020. Bên cạnh đó, trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng sẽ ủng hộ các cuộc nghiên cứu đóng vai trò then chốt, mở ra những cơ hội mới cho sứ mệnh thám hiểm tương lai.
NASA đã hợp lực với 6 công ty phát triển các phương tiện và thiết bị thuộc chương trình gọi là NextSTEP, trong đó có dự án sao Hỏa. Và Boeing cũng đã tiết lộ trạm không gian và tàu vũ trụ của hãng hồi tháng trước. Dự kiến, trạm Deep Space Gateway sẽ được đưa lên vũ trụ bằng tên lửa gọi là Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA. Hiện SLS, rốc két mạnh nhất từng được chế tạo, đang trải qua các cuộc thử nghiệm, trước khi thực hiện sứ mệnh đầu tiên vào năm 2019, chậm 1 năm so với kế hoạch trước đây.
Theo Thanhnien