Phóng sự - Ký sự

Bên dòng Hà Sấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người nói khơi lại dòng sông Cổ Cò chính là khơi thông phong thủy của vùng đất Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đoạn sông cạn Cổ Cò chảy qua Điện Dương ngày nay ẢNH: T.Đ.T
Lộ Cảnh giang, tức sông Cổ Cò, được ghi nhận trong sách Đại Nam nhất thống chí, nằm ở vùng cuối 2 huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc đến phía tây núi Tam Thai nhập với sông Cẩm Lệ. Đến đầu thế kỷ 20, sông đã cạn, ghe thuyền đi không thông… Trước đó, vào cuối thế kỷ 17, trên hành trình từ chùa Tam Thai đi Hội An trên dòng sông này, nhà sư Thích Đại Sán đã ghi trong Hải ngoại kỷ sự: “Thuyền do sông nhánh đi đường tắt, nước ròng cạn, bị thuyền lương ngáng đường, quân nhân nhảy xuống bùn lầy, kéo đẩy không nhúc nhích... Qua canh hai, đến bờ Hội An”.
Nghi vấn về cầu, miếu
Như vậy Lộ Cảnh giang đã có hiện tượng bồi lấp từ rất sớm. Các lão nông ở P.Điện Dương (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết sông Cổ Cò đi qua địa phận này có tên gọi là sông Hà Sấu, trong buổi đầu khai hoang lập ấp, dân cư đều tập trung ở khu vực ven sông vì ruộng đồng phì nhiêu. Tất cả đều lấy chữ “Hà” để đặt tên cho làng mình như Hà Mùa, Hà Bản, Hà Quảng, Hà My, Hà Lộc... Định cư từ ven sông sau lấn dần ra sát biển, các làng này đều thuộc tổng Phú Triêm, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn dưới thời phong kiến nhà Nguyễn cho đến năm 1945.
Đa số các tộc được coi là tiền hiền đến nay đều có khoảng 17 - 18 đời con cháu, cho thấy đa số cư dân bên dòng Hà Sấu cũng như vùng bắc Điện Bàn, phần lớn từ Thanh Nghệ Tĩnh vào lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn Hoàng trở đi. Các vị cao niên ở đây cho biết, theo hương phả làng Hà Lộc thì dòng họ hậu hiền của chí sĩ Châu Thượng Văn vốn là cư dân làng Minh Hương (Hội An) sau năm 1645. Nhiều người Minh Hương lấy vợ người Việt và hòa nhập hẳn với cộng đồng Đại Việt. Sau này, chí sĩ Châu Thượng Văn về buôn bán ở Hội An rồi bị bắt sau biến cố 1908…
Điều đặc biệt là chiếc cầu bắc qua sông Hà Sấu có cái tên khá ấn tượng: cầu Nghĩa Tự. Gần đó là một Nghĩa tự miếu được coi là khá linh thiêng... Ở các làng vùng Điện Bàn, tôi để ý có cả Âm linh nghĩa tự và Miếu nghĩa tự. Nếu Âm linh nghĩa tự là nơi thờ những linh hồn xiêu tán không nơi nương tựa sau các binh lửa và tai trời ách nước, hầu như mỗi làng đều có, thì Miếu nghĩa tự lại ít gặp. Ở đây có thể hiểu đó là một đền thờ nhỏ, thờ những nhân vật được phong thần hoặc đã được thần thánh hóa. Cho nên khi hỏi nhiều vị lớn tuổi đều chưa được câu trả lời thỏa đáng, ai cũng nói “có từ lâu rồi”, có thể chính là nơi thờ các vị tiên dân của một vùng đất có công từ phương Bắc vào đây khai phá, góp phần lập ra làng mới. Còn chiếc cầu gần đó cũng mang tên cầu Nghĩa Tự, bắc qua sông Hà Sấu có thể là cầu được xây dựng gần Miếu nghĩa tự chăng? Mặc dù đây cũng là vùng đất từ xưa đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn, Nguyễn Ánh - Nguyễn Nhạc... và tất nhiên đã có nhiều người bị vùi thân mà không được nhìn nhận.

Một góc cầu Nghĩa Tự ẢNH: T.Đ.T
Dấu ấn một “học tràng”
Những người lớn tuổi sống ở P.Điện Dương ngày nay hay kể về chuyện Huyền Trân công chúa đã đi thuyền qua con sông này cùng với tùy tùng, sau khi vua Chế Mân qua đời, lúc ấy bà đối diện nguy cơ phải lên giàn thiêu theo tục lệ Chăm. Cũng có người kể sự tích Hà Sấu vì từ xưa có loài cá sấu sống trên sông, giết hại nhiều dân thường, có 5 vị quan sống trong vùng phải hiệp lực giết cho được loài thủy quái đem lại bình an cho mọi người. Trận chiến tuy vậy cũng đã gây ra cái chết cho 5 vị quan có lòng thương dân trong huyền sử, và người dân đã lập miếu thờ để tri ân họ…
Chưa có sử liệu nào chứng minh những truyện kể ấy, nhưng trong cuốn sử liệu của xã Điện Dương trước đây, chúng tôi thấy câu chuyện “học tràng” của cụ cử Lê Tấn Toán, một câu chuyện xúc động thời cận đại.
Cụ Cử Toán đậu cử nhân năm Tự Đức thứ 14 (1861) nhưng không ra làm quan mà về làng Hà Lộc mở trường dạy học. “Học tràng” của cụ là ngôi nhà 5 gian và mượn thêm 17 nhà dân chung quanh mới đủ chỗ cho lượng học trò đông đảo. Cụ còn mời nhiều vị tú tài ở các làng chung quanh về dạy. Các chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, Châu Thượng Văn đều xuất thân từ lò đào tạo này. Cụ Cử Toán còn là thông gia của tiến sĩ Phạm Phú Thứ ở vùng Gò Nổi...
Câu chuyện cảm động và nghĩa khí là khi biết tin Nguyễn Duy Hiệu được bầu làm Hội chủ của Nghĩa hội Quảng Nam, Tổng đốc Quảng Nam lúc ấy là Châu Đình Kế đã đến làng Hà Lộc mời cụ Cử Toán về tỉnh đường chất vấn, quở trách là đã dạy cho học trò làm phản lại triều đình. Cụ cử tức giận, bóp bể cốc rượu đang cầm trên tay rồi bỏ về. Khi Nguyễn Duy Hiệu sa vào tay giặc và bị hành hình, cụ Cử Toán cũng bị khép tội dạy học trò “khởi ngụy”, làm quân sư cho “Ngụy hội” và buộc tội chết. Cụ đã chọn cách uống thuốc độc để bảo toàn tiết tháo của một nho sư!
Đất Hà Lộc còn có các học trò lẫy lừng khác. Châu Thượng Văn tham gia các phong trào Duy Tân, một nhà kinh tài của phong trào Đông Du và đã tuyệt thực đến chết trong nhà lao. Lãnh binh Lê Ngọc Sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam, bị xử trảm và được người dân lập miếu thờ gọi là “Miếu ông Lãnh” ở làng Hà Lộc…
Tên làng trong ký ức
Hồi nhỏ, tôi vẫn được nghe những câu hát ru em xứ Quảng:
Bồng em mà bỏ vô nôi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bất Nhị, mua trầu
Hội An…
Những địa danh của phía bắc Quảng Nam đã đi vào văn học dân gian, trong đó có chợ Cầu, giờ chỉ còn trong trí nhớ. Phải chăng chính là ngôi chợ ở gần cầu Nghĩa Tự đã nói trên kia? Gần di tích chợ Cầu có một chiếc cầu dân sinh khác, nhưng theo tôi, chiếc cầu ấy chưa đủ tuổi với ngôi chợ đã tồn tại mấy trăm năm…
Ngày nay, những biến động lịch sử đã làm nhiều địa danh mất đi, mang theo tình yêu của bao nhiêu thế hệ. Nơi đó, con người đã có những kỷ niệm không nhạt nhòa gắn liền với những ngày tuổi thơ nghèo khó và có khi là dữ dội.
Cho nên dừng lại bên cầu Nghĩa Tự, ta nghe nhắc đến những tên làng gắn liền với chữ Hà, tuy rằng thời cụ Dương Văn An viết Ô Châu cận lục thì vẫn chưa thấy. Trong 66 làng cũ ở vùng bắc Điện Bàn vào các năm 1553 - 1555, tôi chỉ tìm thấy những Lai Nghi, Phong Hồ, Kim Sa (Cẩm Sa), Cẩm Phô, Hoài phố (Sơn Phô) gần vùng này, mà không tìm thấy những làng bắt đầu từ chữ “Hà”. Điều này một lần nữa cho thấy, các làng bên dòng Hà Sấu được hình thành sau đó, với những tộc tiền hiền mới 17 đời như đã nhắc tới trên kia.
Trở lại với các tên làng vùng Hà Sấu, những Hà Mùa, Hà Bản, Hà My, Hà Quảng, Hà Lộc, Gia Lộc, có thể hiểu là chúng được tiền hiền các tộc họ lập ra từ giữa cuối thế kỷ 16 sau khi Dương Văn A viết Ô châu cận lục, và từ đó đến nay đã qua nhiều thay đổi. Tài liệu lịch sử của Điện Dương cho thấy: Từ năm 1945 về trước, tên các làng này không thay đổi, đều thuộc tổng Phú Triêm, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Sau tháng 1.1946, Hà Quảng và Hà Mỹ vẫn giữ nguyên xã cũ, nhưng Hà Lộc, Gia Lộc và Hà Bản nhập lại thành xã hoàn toàn mới là Chấn Hiệp. Không còn một từ tố nào của tên làng cũ được giữ lại! Đến tháng 11.1948, Chấn Hiệp, Hà My, Hà Quảng gộp chung thành xã Điện Dương.
Từ năm 1950 trở đi, tách các vùng An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch của Hội An nhập vào Điện Dương và đổi thành xã Điện Hải thuộc quận Điện Bàn. Đến tháng 3.1951, các vùng trên lại trả về Hội An. Và Điện Hải lại quay về tên cũ là Điện Dương. Trong lúc đó, từ năm 1950 đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Khu hành chính Cẩm Phô thuộc Điện Bàn với 9 xã mới, trong đó Điện Dương trở thành xã Cẩm Hải. Từ tháng 7.1962, khu Cẩm Phô trở thành quận Hiếu Nhơn thuộc tỉnh Quảng Nam, trong đó có xã Cẩm Hải. Sau đó là các tên khác nữa có nhiều liên đới đến vùng đất này cùng với chuyện tách nhập… Và rồi, trong một thời gian dài, ở vài nơi, các tên thôn, làng được đánh số cho đến ngày được khôi phục tên cũ.
Giữ lại các tên làng cũ là điều rất đáng hoan nghênh. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (trong cuốn Lý Thường Kiệt) và các nhà dân tộc học, sự thay đổi tên làng do quá trình phát triển, cần giữ lại một hai từ tố cũ là điều cần thiết, như duy trì một truyền thống, không làm mất đi tính liền lạc của lịch sử. Nó góp phần nuôi dưỡng truyền thống yêu quê hương của mỗi cá thể trong chúng ta...
Theo Trương Điện Thắng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm