Bí quyết tránh ngộ độc thực phẩm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một tiết lộ gây sốc được báo cáo tại Mỹ, mỗi năm ở nước này có đến 5.000 trường hợp tử vong liên quan đến ngộ độc thực phẩm.

 

Rất quan trọng để rửa tay kỹ bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước rửa tay trước khi chế biến thức ăn


Theo các chuyên gia, trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi là những đối tượng có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngộ độc thực phẩm.


Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện một số thói quen hằng ngày sau, bạn có thể ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Rửa tay trước khi chế biến thức ăn. Rất quan trọng để rửa tay kỹ bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc nước rửa tay trước khi chế biến thức ăn. Điều này giúp rửa sạch bụi bẩn, vi khuẩn bám dính và tích tụ trên bàn tay trong suốt cả ngày, từ đó sẽ ngăn ngừa vi khuẩn di chuyển vào thực phẩm. Ngoài ra, rửa tay trước và sau khi ăn cũng như trước và sau khi sử dụng nhà vệ sinh cũng là thói quen tốt để tránh nguy cơ bị ngộ độc.

Giữ thực phẩm sống và chín xa nhau. Thịt, cá, gia cầm… có thể chứa rất nhiều vi khuẩn. Nếu bạn để chúng gần các thực phẩm nấu chín, các vi khuẩn này sẽ ngay lập tức tấn công sang và làm ô nhiễm thực phẩm chín. Vì thế, để hạn chế nguy cơ ngộ độc, hãy giữ thực phẩm sống và thực phẩm chín xa nhau, và tốt nhất nên sử dụng các dụng cụ khác nhau để xử lý chúng.

Tránh trứng sống. Trứng sống thường được sử dụng trong việc chế biến một số món ăn. Nếu không thể tránh khỏi việc sử dụng trứng cho mục đích này, hãy tránh ăn trứng khi chưa chín. Trứng sống chứa rất nhiều vi khuẩn salmonella, được biết đến là tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.

Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Điều tối kỵ là không nên lấy thức ăn trong tủ lạnh ra hơn 1 tiếng đồng hồ rồi mới chế biến, đặc biệt vào những ngày nắng nóng. Thực phẩm được lưu trữ trong tủ lạnh tuy an toàn, nhưng khi đem ra ngoài và để quá lâu sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, theo Health.

Nấu ăn ở nhiệt độ phù hợp. Thức ăn không được nấu ở nhiệt độ thích hợp dễ dẫn đến hiện tượng nửa sống nửa chín. Thức ăn chỉ chín một phần sẽ chứa nhiều vi khuẩn gây ngộ độc. Súp và các món hầm cần được đun sôi với nhiệt độ trên 70 độ C; gà luộc, chiên phải đạt nhiệt độ 165 độ C.

Bỏ thực phẩm nghi ngờ bị ô nhiễm. Một món ăn ngon, hấp dẫn, nhưng nếu “ngồi” trong tủ lạnh quá lâu, nó không chỉ bị mất mùi mà còn có thể bắt đầu chứa nhiều vi khuẩn. Vì vậy, hãy luôn kiểm tra thực phẩm trong tủ lạnh mỗi ngày. Nếu món ăn được lưu giữ hơn 4 ngày, cần tiễn nó ra khỏi cửa mà chẳng cần phân biệt nó có màu hay mùi ra sao.

Sử dụng khăn sạch lau bát đĩa. Nhà bếp sạch sẽ và các bề mặt tiếp xúc khác trong bếp cần được lau chùi với chất khử trùng sau khi nấu ăn là điều vô cùng cần thiết để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, thỉnh thoảng rửa bát đĩa bằng nước nóng để loại bỏ vi khuẩn và lau sạch chúng. Khăn lau chén không sạch có thể chứa lên đến 100 tỷ vi khuẩn sau khi được sử dụng liên tục trong một tuần.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm