Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bí thư Bình Định: "Không dập được dịch ở Phù Cát, Bí thư, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh, huyện Phù Cát thiếu những gì tỉnh sẽ hỗ trợ, đáp ứng ngay. Nếu trong vòng 7 ngày tới, địa phương không dập được dịch Covid-19 thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các xã phải chịu trách nhiệm trước huyện.
Lúng túng chống dịch
Ngày 3/9, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở huyện Phù Cát vẫn diễn biến phức tạp, từ ngày 19/7 đến ngày 1/9 có 235 ca mắc bệnh, tại 16/18 địa phương.
Hiện tại, số ca mắc Covid-19 tại huyện Phù Cát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Bình Định, công tác chỉ đạo điều hành chống dịch của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch huyện Phù Cát còn nhiều hạn chế.
Việc chỉ đạo đối với cấp ủy và chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, khâu kiểm tra, giám sát chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, dẫn đến chậm trong xử lý dịch bệnh.
Ngoài ra, việc ứng phó với 2 ổ dịch lớn tại Công ty Delta Galil và Công ty cổ phần xây dựng 105 chậm, chưa đánh giá hết mối nguy cơ của 2 ổ dịch lớn này. Do vậy, việc xử lý ổ dịch này thiếu chặt chẽ, có thể gây ra sự bùng phát dịch trong diện rộng tại địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu dồn toàn lực dập dịch tại
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu dồn toàn lực dập dịch tại "điểm nóng" Phù Cát.
Việc chỉ đạo điều hành chống dịch của cấp xã, chưa thực hiện giãn cách xã hội nghiêm trên địa bàn, dẫn đến phát sinh nhiều ổ dịch tại cộng đồng mang tính gia đình, chòm xóm; quản lý dân cư trên địa bàn chưa tốt.
Khi thực hiện chiến dịch xét nghiệm tầm soát thì người dân không đến điểm xét nghiệm dẫn đến số lượng không đạt theo yêu cầu; quản lý đối tượng cách ly tại nhà chưa chặt chẽ.
Có ổ dịch mới phát sinh thì việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch còn chậm, chủ yếu tập trung vào các khâu như: truy vết, cách ly F1, xét nghiệm. Chỉ huy trong xử lý ổ dịch chưa tập trung nên chưa tạo ra sự đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.
Khu vực cách ly đặc biệt tại Trung tâm y tế huyện Phù Cát.
Khu vực cách ly đặc biệt tại Trung tâm y tế huyện Phù Cát.
Trong khi đó, từ ngày 26/8, huyện Phù Cát xảy ra 2 ổ dịch lớn tại Công ty Delta Galil và Công ty cổ phần xây dựng 105 một cách bất ngờ với số lượng người bị ảnh hưởng rất lớn trong khi địa phương chưa có kinh nghiệm trong xử lý ổ dịch lớn và chưa đánh giá được hết các nguy cơ cũng như khối lượng công việc liên quan đến ổ dịch lớn này.
Số cách ly tập trung, số cách ly tại nhà lên đến hơn 2.000 người dẫn đến hàng loạt các công việc liên quan phải thực hiện làm quá tải công việc cho tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, từ đó việc triển khai xử lý 2 ổ dịch này gặp rất nhiều lúng túng.
"Lực lượng y tế của huyện Phù Cát gặp nhiều khó khăn khi công việc quá tải và có rất nhiều ổ dịch phải xử lý trong ngày, dẫn đến căng kéo và kiệt sức cho nhân viên y tế. Công tác phối hợp giữa 3 lực lượng: y tế, công an, quân đội tại huyện chưa thực sự gắn kết và đồng bộ", Sở Y tế tỉnh Bình Định đánh giá.
Lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch ở huyện Phù Cát.
Lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch ở huyện Phù Cát.
Không dập được dịch Bí thư, Chủ tịch huyện chịu trách nhiệm
Tại cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Phù Cát về công tác chống dịch Covid-19 (chiều 1/9), Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, huyện Phù Cát đang là nơi "trọng điểm" nguy hiểm nhất về dịch Covid-19 của tỉnh này.
Ổ dịch hết sức phức tạp, ngày càng diễn biến xấu hơn, đến mức buộc phải giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn huyện.
Khu vực phong tỏa ở xã Cát Tường.
Khu vực phong tỏa ở xã Cát Tường.
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu, trong vòng 7 ngày tới (đến ngày 6/9) là thời gian vàng để dồn toàn lực lượng, huy động hệ thống chính trị của tỉnh tham gia giúp Phù Cát dập dịch, sớm bao vây, khống chế cho được các ổ dịch.
"Huyện thiếu cái gì, tỉnh sẽ hỗ trợ, đáp ứng ngay. Nếu trong vòng 7 ngày tới, địa phương không dập được dịch Covid-19 thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các xã phải chịu trách nhiệm trước huyện", ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (bên trái) cùng Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên trong lần kiểm tra công tác chống dịch tại địa bàn. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo đúng tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", nơi nào không thực hiện phải truy trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự.
"Tranh thủ thời gian vàng này, tôi yêu cầu ngành y tế nhanh chóng bóc tách tận gốc số ca F0 ra khỏi cộng đồng. Nhân viên y tế phải tới từng xóm, khu vực để lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết F1, F2 để cách ly y tế kịp thời, tăng cường giám sát việc cách ly y tế tại nhà. Ngoài ra, chính quyền luôn đảm bảo tốt an sinh xã hội, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm", ông Hồ Quốc Dũng lưu ý.
Tạm đình chỉ công tác Bí thư, Chủ tịch xã Cát Tường
Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường (huyện Phù Cát) Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Cát Tường Nguyễn Kế Sinh, bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 1/9).
Nguyên nhân tạm đình chỉ công tác đối với 2 lãnh đạo xã Cát Tường là do thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định, tới đây nếu người đứng đầu các địa phương chỉ đạo chống dịch không kiên quyết, không hết trách nhiệm, không khoa học… để dịch bệnh lây lan, sẽ bị xử lý.
Dũ Tuấn (DanViet)

Có thể bạn quan tâm