Thời sự - Sự kiện

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Phát huy trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo vì công việc chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 3-7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã tiến hành Hội nghị lần thứ 12 (mở rộng) để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Kinh tế-xã hội tiếp tục khởi sắc

Theo báo cáo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Gia Lai cơ bản đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,54%. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 10.068 tỷ đồng, đạt 28,15% Nghị quyết, tăng 4,78% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 14.103 tỷ đồng, đạt 44,6% Nghị quyết, tăng 28,32% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, đạt 61,76% Nghị quyết. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 16.292 tỷ đồng, đạt 38,79% Nghị quyết, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm 2022…

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân được chú trọng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm. Công tác đối ngoại được triển khai theo kế hoạch.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng và đạt kết quả khả quan. Công tác giáo dục chính trị tiếp tục được tăng cường; thực hiện tốt các quy định về nêu gương, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chủ chốt. Công tác tuyên giáo đã kịp thời định hướng tư tưởng, tham mưu tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo được chỉ đạo thực hiện hiệu quả gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh những mặt đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 như: kết quả thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế; một số dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản quá thấp; thu ngân sách chưa đạt dự toán giao, nhất là thu tiền sử dụng đất. Đặc biệt, tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo và tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ do Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao còn chậm, kết quả đạt được chưa cụ thể; việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết một số vụ việc khiếu nại của người dân còn chậm, chưa dứt điểm…

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Những hạn chế, tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. “Vì vậy, tại hội nghị này, đề nghị các đồng chí cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, thẳng thắn nêu lên những giải pháp sát thực, phù hợp, hiệu quả để khắc phục trong thời gian đến”-Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thu ngân sách nhà nước của TP. Pleiku 6 tháng đầu năm đạt thấp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trịnh Duy Thuân cho rằng là do cơ cấu nguồn thu sử dụng đất của thành phố quá lớn. Theo kế hoạch năm 2023, thành phố được giao thu tiền sử dụng đất (cả dự án đầu tư của tỉnh và thành phố) khoảng 820 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư của tỉnh thì thành phố chưa thu được đồng nào, còn các dự án của thành phố thì tỷ lệ thu cũng đạt rất thấp. Điều này dẫn đến thu ngân sách nhà nước của thành phố chỉ đạt khoảng 35% dự toán (nếu không tính thu tiền sử dụng đất thì đạt hơn 55% dự toán).

Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư trung hạn do ngân sách trung ương đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như Dự án đường Nguyễn Văn Linh với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng hiện còn rất nhiều vướng mắc do chưa có khu tái định cư hoàn thiện để bố trí tái định cư tại chỗ.

“Quan điểm của tỉnh và các sở, ngành thì có đường mới có giá đất tái định cư. Tuy nhiên, muốn làm được đường thì phải giải tỏa, bồi thường, tái định cư cho dân. Nhưng giờ chúng ta chưa có khu tái định cư đồng bộ để bố trí cho dân nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi công tác giải tỏa, đền bù không thực hiện được thì không thể hoàn thành con đường. Vòng luẩn quẩn này khiến thành phố rất khó hoàn thành nhiệm vụ”-Bí thư Thành ủy Pleiku cho hay.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Việc triển khai công tác trồng rừng của các địa phương hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bí thư Huyện ủy Kông Chro Phan Văn Trung cho biết: Trồng mỗi héc ta rừng cần ít nhất 7 triệu đồng nhưng kinh phí hỗ trợ hiện nay quá ít, chỉ 2,5 triệu đồng/ha dẫn đến người dân không mặn mà tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, trồng rừng có chu kỳ khoảng 5 năm mà lợi nhuận thu lại rất thấp, bình quân mỗi héc ta chỉ khoảng 25 triệu đồng.

Còn Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng thì lý giải: Trên địa bàn 3 huyện biên giới và các huyện lân cận không có nhà máy thu mua gỗ rừng trồng dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ thấp, không thu hút được người dân trên địa bàn tham gia trồng rừng sản xuất. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu tăng kinh phí hỗ trợ trồng rừng; đồng thời, thu hút các nhà máy chế biến gỗ đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới.

Về công tác thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho rằng, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm tạo nguồn thu cho địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng đối tượng; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương với Cục Thuế tỉnh trong công tác nắm bắt các nguồn thu phát sinh, các khoản thu đặc thù gắn với khai thác hiệu quả nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho rằng, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho rằng, tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Đức Thụy

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nêu giải pháp: Chúng ta cần nhanh chóng tháo gỡ các “nút thắt” trong thời gian tới. Cụ thể, vấn đề đất san lấp các công trình hiện mới giải quyết được một phần, chúng ta cần nghiên cứu đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản. Cùng với đó, cần nhanh chóng xác định giá đất tái định cư, tình trạng này còn kéo dài thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân đều vướng hết. Đồng thời, rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy hoạch, trọng tâm là quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nhằm gỡ khó cho các dự án thu hút đầu tư.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu các cấp quan tâm quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo vì công việc chung để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy cụ thể hóa 3 chương trình trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) về kinh tế-xã hội, Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công các chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện thu ngân sách trên địa bàn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động hè; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai các giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em. Chuẩn bị các điều kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có phương án tuyển giáo viên và duy trì sĩ số học sinh trong năm học mới.

“Đặc biệt, tăng cường công tác nắm, quản lý địa bàn; phòng-chống trốn, vượt biên; ngăn chặn, đấu tranh xử lý hoạt động nhen nhóm phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”, tà đạo “Hà Mòn”; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; tuyên truyền, rà soát, thu giữ để quản lý các loại súng tự chế trong Nhân dân. Tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, người dân và dư luận xã hội. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chuẩn bị tốt nội dung, điều kiện tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo.

Có thể bạn quan tâm