(GLO)- Là tôi muốn nói đến món đặc sản hiếm hoi ở Gia Lai, dường như chỉ có ở vùng rừng thuộc xã Đak Pling và Đak Song (huyện Kông Chro). Đó là nước cây đoak và ốc đá. Ai đã từng được thưởng thức 2 món này ắt hẳn rất khó quên. Và tôi đã may mắn đôi lần được thưởng thức đặc sản này ở làng Mèo, xã Đak Pling. Lần này, theo chân mấy anh em đồng nghiệp cũ trở lại làng Mèo, mọi người có việc của họ, còn tôi chỉ vì nhớ ngôi làng này mà về.
Trước hết, xin nói về “bia” đoak, còn gọi là “rượu” đoak. Ông Đinh Nớp, nay đã trên dưới 90 tuổi, là chủ nhân của một cây đoak ngay trước nhà. Thấy có khách đến, ông mang ngay “bia” ra mời thay nước. Tôi đang thèm nên uống liền một hơi cho đã nhớ. Nhưng anh bạn trẻ đi cùng thì có vẻ nghi ngại nên chỉ đưa ly nước đoak lên môi nhấp nhấp. Ông Nớp thấy vậy nói: “Cứ uống đi, ngon mà!”. Rồi ông kể lại rằng, nước cây đoak này đã nuôi sống ông những ngày gian khó nhất. Chuyện là, vào thời chống Mỹ, khi bị địch càn, ông và dân làng phải chạy vào rừng. Không may bị lạc, gạo mì không có nhưng ông vẫn sống sót nhờ ăn cây rừng và uống nước cây đoak. Năm 1975, khi quê hương được giải phóng, ông trở về làng. Nhớ loại cây đã từng cứu mình, ông quyết vào rừng tìm đào 1 cây đoak về trồng bên suối và may thay cây sống. Vài năm sau, cây ra quả và bắt đầu cho nước. Vợ chồng ông Nớp quyết định... làm nhà ở luôn bên gốc cây và gắn bó bên cây đoak đã 40 năm qua. Ông nhìn sang bà, nhìn cây đoak trước nhà rồi nói với chúng tôi rằng, mỗi ngày cây cho cả hàng chục lít “bia” cấp cho cả nhà (tính cả con cái cháu chắt có đến mấy chục người). Dân làng ai ưng uống thì đến nhà ông; riêng ông cứ đều đặn ngày 3 cữ sáng, trưa, chiều!
Khai thác dòng nhựa quý từ cây đoak để làm thức uống. Ảnh: MINH TRIỀU |
Tìm hiểu thì mới biết, ở làng Mèo, mùa khai thác nước đoak diễn ra khoảng 7 tháng trong năm (thời gian còn lại cho cây nghỉ ngơi). Nước đoak lấy về để uống là chính, thi thoảng cũng có người đặt hàng. Anh Đinh Nhơn, con trai thứ 7 của ông Nớp giải thích với tôi, để lấy được nước cây đoak, người đi rừng thường chặt buồng quả, từ cái cuống đó nước sẽ giọt suốt ngày đêm (có thể lấy nhiều hơn nếu đục lỗ trên thân cây, nhưng gây ảnh hưởng đến “sức khỏe” của cây). Nước đoak nếu được bảo quản tốt thì để được khoảng 7 ngày. Để lâu, nước tự lên men, uống như bia, rượu. Loại “bia” này có màu sữa, ngòn ngọt, tựa như có gas, uống vào lâng lâng, khi nào dái tai đỏ nghĩa là đã say! Vui chuyện, Nhơn kể một giai thoại rằng: Có người leo lên cây đoak, uống nhiều “bia” quá say lúc nào không biết nên ngã xuống ngay gốc cây, ngủ suốt 2 ngày, tỉnh lại thấy khỏe ra quá lại leo lên cây… uống tiếp. Anh cũng cho hay, để loại bia này có hương vị ngon hơn, dân làng Mèo thường cho vào can “bia” một loại cây rừng. Tôi tò mò hỏi cây gì thì Nhơn chỉ cười và bảo: “Bí mật”.
Ở vùng Đak Song và Đak Pling còn một đặc sản nữa, ấy là ốc đá. Có người sẽ cho rằng ốc thì ở đâu chả thế! Ốc đá chỉ mùa mưa mới xuất hiện, sống sâu trong hang đá và chỉ ăn rêu đá. Đúng vậy. Nhưng với chúng tôi thì ốc đá làng Mèo ngon và khác lắm. Là tôi muốn nói đến nguồn gốc của ốc đá và cách ăn của người Bahnar làng Mèo. Các con suối ở đây rất sạch, vì vậy nước trong, rêu sạch và chưa bị ô nhiễm, thì tất nhiên là ốc sạch rồi. Dân làng bảo rằng chỉ khi mùa mưa thì ốc mới xuất hiện, bắt được con ốc cũng khó lắm vì nó bám dưới đá, sâu trong hang. Còn mùa khô thì không biết nó trốn ở đâu, không hề thấy. Nói ốc đá ngon còn là ở cách ăn. Với người làng Mèo, ốc đá là cứ phải xào với mỡ heo, sả, lá thơm, ớt chỉ thiên và một số gia vị... Chế biến xong là hút ốc nhai ngay, không cần nước chấm. Mà cái nước xào ốc ấy cũng thật tuyệt, ngòn ngọt, cay cay, thơm đậm mùi của khe rừng. Mùa ốc đá cũng là mùa “bia” đoak. 2 món ấy kết hợp với nhau thì thật tuyệt!
Sẽ là thiếu sót nếu không nói một chút về làng Mèo. Trước đây, làng này được gọi là “ốc đảo” giữa rừng. Bây giờ dẫu vẫn còn là vùng III, nhưng từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, làng Mèo đã thay đổi rất nhiều, ô tô có thể đến tận làng… Là một trong những người đi-về trên dưới 300 cây số chỉ để… ăn ốc đá uống rượu đoak, tôi cứ ước giá mà cả làng Mèo có thể trở thành vùng trồng cây đoak, chế biến được rượu thương phẩm, để rồi tạo dựng được thương hiệu “Bia đoak làng Mèo” thì hay biết mấy. Như vậy, du lịch sinh thái ở Kông Chro sẽ có cơ hội phát triển.
QUỐC NINH