Thời sự - Sự kiện

Biển Đen trở thành mặt trận nóng bỏng giữa Nga –Ucraine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-“Tàu chở dầu đã bị hư hại ở eo biển Kerch trong cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine”, hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga đưa tin ngày 5/8. “Thủy thủ đoàn an toàn, Trung tâm Cứu hộ Hàng hải thông báo cho chúng tôi. Phòng máy bị hư hỏng. Hai tàu kéo đã đến hiện trường khẩn cấp của một tàu chở dầu ở eo biển Kerch", TASS cho biết.
Hình ảnh xuồng cao tốc không ngưới lái được cho là của Ucraine nhằm hướng chiến hạm Nga tấn công. Nguồn: TTXVN

Hình ảnh xuồng cao tốc không ngưới lái được cho là của Ucraine nhằm hướng chiến hạm Nga tấn công. Nguồn: TTXVN

Cơ quan Vận tải Đường biển và Đường sông Liên bang Nga thông báo đó là một tàu chở dầu và hóa chất SIG - con tàu có chủ sở hữu là công ty Transpetrochart trụ sở tại St. Petersburg, đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2019 vì cung cấp nhiên liệu máy bay cho lực lượng Nga ở Syria.

Cũng cơ quan trên cho biết tất cả 11 thủy thủ trên tàu đều an toàn và tàu bị va chạm trong phòng máy gần vạch mực nước ở mạn phải, có thể do cuộc tấn công của một phương tiện không người lái trên biển.

Vụ tấn công này diễn ra chỉ một ngày sau khi một phương tiện không người lái khác của hải quân Ukraine chứa đầy chất nổ nhắm mục tiêu vào căn cứ hải quân Nga gần cảng Novorossiysk, làm hư hỏng nặng một tàu chiến.

Hành động đó báo hiệu một mặt trận mới trong cuộc xung đột Ukraine, rằng họ sẵn sàng nhắm mục tiêu vào các tàu vận chuyển dầu và nhiên liệu quan trọng nhất của Nga.

Căng thẳng gia tăng sau khi Nga tháng trước tuyên bố rút khỏi Sáng kiến ​​Ngũ cốc biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và bắt đầu tấn công các cảng của Ukraine trên bờ biển Đen và trên sông Danube bằng tên lửa, bị Kiev cáo buộc là phá hủy hàng chục nghìn tấn hàng ngũ cốc của Ukraine.

Sau các cuộc tấn công và phong tỏa đó, giới chức Ukraine đã đưa ra tuyên bố rằng các tàu của Nga sẽ không còn an toàn ở biển Đen. Ngày 5/8, Kiev công bố một "khu vực có nguy cơ chiến tranh" xung quanh các cảng của Nga trên biển Đen, cụ thể là các cảng Novorossiysk, Anapa, Gelendzhik, Tuapse, Sochi và Taman. Tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8 “cho đến khi có thông báo mới".

Biển Đen hay còn gọi là Hắc Hải là vùng biển nằm trong đất liền, nối với các đại dương lớn qua 1 vài kênh đào nhỏ. Ở vị trí vô cùng đặc biệt, biển Đen tiếp giáp với 6 nước xung quanh như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Gruzia với diện tích 436.400km2 và sâu hơn 2.000m.

Nằm ở ngã tư giữa châu Âu, châu Á và vùng Caucasus, biển Đen trở thành một tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và các nước phương Tây, cũng như trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Ucraine.

Biển Đen trước đây đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng của NATO. Khu vực này là nơi chứng kiến sự tăng cường quân sự từ phía Bắc của Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phía Đông và sự bất ổn ở Trung Đông từ phía Nam.

Có thể bạn quan tâm