Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) hồi sinh với ngàn tỷ bơm thêm vào cây trái và dự án đất vàng Myanmar. Cú bắt tay tỷ USD khiến nhiều ngân hàng chủ nợ mừng rỡ, nhưng nó cũng đánh dấu ngã rẽ cuộc đời của Bầu Đức.
Biến động sau cú bắt tay tỷ USD
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG), một công ty con của CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố thông tin về việc từ nhiệm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS).
Theo đó, ông Đoàn Nguyên Thu, em trai Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Ngọc Ánh, đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT HAGL Agrico. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hải Yến cũng có đơn từ nhiệm Thành viên BKS.
Sự thay đổi nhân sự diễn ra ngay sau khi HAGL của Bầu Đức ký kết hợp tác với CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco (THA) của ông Trần Bá Dương về việc Thaco sẽ bơm tiền vào để tái cấu trúc các doanh nghiệp của Bầu Đức.
HĐQT HAGL Agrico sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm 3 nhân sự cấp cao nói trên và bầu bổ sung các vị trí thay thế. Nhiều khả năng sắp tới đại diện của Thaco sẽ tham gia vào HĐQT cũng như Ban kiểm soát tại công ty của Bầu Đức.
Cái bắt tay nghìn tỷ giữa bầu Đức và ông chủ ô tô Trường Hải Trần Bá Dương |
Ngay sau cú "bắt tay" lịch sử với Thaco, các doanh nghiệp của Bầu Đức đã có những thay đổi nhanh chóng. Bầu Đức trồng thêm gần 6.000ha chuối, ớt với mục đích đưa HAGL Agrico thành một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Nguồn tiền là từ đợt trái phiếu chuyển đổi ra công chúng, và Thaco chính là đơn vị mua toàn bộ hơn số trái phiếu chuyển đổi mà DN của Bầu Đức chào bán hồi tháng 6.
Theo thỏa thuận hợp tác, Thaco và nhóm cổ đông đầu tư hơn 3,8 ngàn tỷ đồng và sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico. Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay, đồng thời đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, dự kiến trong năm 2019 và 2020 sẽ tăng từ 12.000 ha lên 30.000 ha.
Bên cạnh đầu tư vào HAGL Agrico, Thaco còn thông qua công ty con là CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, sở hữu 65% vốn của HAGL Land với tổng vốn đầu tư hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay khoảng 14 ngàn tỷ đồng của HAGL, huy động vốn đầu tư vào chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái của HAGL, phát triển mở rộng diện tích trồng cây, tiếp tục giai đoạn 2 dự án của HAGL Land tại Myanmar.
Đại dự án Myanmar và rừng cao su khủng
Sau cú bắt tay tỷ USD, nhiều ngân hàng chủ nợ mừng rỡ. Nhưng nó cũng đánh dấu bước ngoặt, ngã rẽ cuộc đời của Bầu Đức.
Ngay sau khi có tiền từ Thaco, HAGL Agrico đã tăng cả ngàn ha trồng chuối với hàng trăm tỷ đồng đầu tư mới. Diện tích có thể lên tới 10 ngàn hecta. Định hướng trồng chuỗi, ớt, thanh long là chiến lược lâu dài, nhưng ngắn hạn sẽ nhanh chóng mang lại dòng tiền cho DN của Bầu Đức.
Quỹ đất khổng lồ của Bầu Đức sẽ ngay lập tức phát huy tác dụng, mang đến lợi nhuận cho DN, bù đắp cho chi phí tài chính phát sinh từ những khoản vay khổng lồ. Nhưng cái mà cổ đông chiến lược mới, Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương ngóng tới không chỉ là diện tích đất nông nghiệp lớn của HAG tại Lào, mà là khu phức hợp của HAGL tại Myanmar.
Tại dự án BĐS đất vàng ngay tại trung tâm thành phố Yangon của Myanmar, Thaco và Đại Quang Minh đã đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% vốn HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4 ngàn tỷ đồng.
Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này và đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Đây là tổ hợp lớn gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp. Khu phức hợp này bao gồm 10 tòa nhà 27 tầng nằm trên diện tích 8ha tại trung tâm thành phố Yangon với tổng mức đầu tư 440 triệu USD.
Trong giai đoạn 1, HAGL Myamar đã lấp đầy TTTM diện tích 36.000 m2, khai thác 60% văn phòng cho thuê tại hai tòa diện tích 80.000 m2, 50-60% công suất phòng khách sạn 5 sao do Tập đoàn Melia quản lý...
Bơm ngàn tỷ vào HAGL Agrico vừa rồi chỉ là bước đầu. Theo kế hoạch, tổng số tiền Thaco đầu tư vào HAGL vượt mức 22 ngàn tỷ đồng, tương đương cả tỷ USD.
Mảng cao su được đánh giá cũng rất tiềm năng. Mặc dù hiện tại giá mủ cao su thấp nhưng một khi giá tăng trở lại, đây sẽ là mỏ vàng cho các nhà đầu tư. HAGL hiện duy trì chăm sóc và khai thác mủ trên diện tích khoảng 40.000ha. Khi cây cao su đạt độ tuổi từ 15 năm trở lên thì DN có thể khai thác bán gỗ, thu về những khoản tiền rất lớn.
Với diện tích đất lớn, HAGL Agrico cũng sẽ đầu tư trồng 5.000ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống.
Theo BCTC quý 2, HAG có khoản nợ hơn 23 ngàn tỷ, trong đó hơn 20 ngàn tỷ vay dài hạn. Những khoản nợ lớn này đã vùi dập DN của Bầu Đức nhưng đổi lại tài sản của DN rất lớn, tới hơn 55 ngàn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng đạt gần 18,3 ngàn tỷ đồng.
Khi NĐT chiến lược vào, DN của Bầu Đức có tiền trả nợ, có vốn để phát triển nông nghiệp và hoàn thành dự án BĐS Myanmar. Ngân hàng, cổ đông,... đều mừng vui. Bầu Đức không còn lo “chết đứng” trên khối tài sản khổng lồ vì mất thanh khoản. Và một khi DN khối tài sản khổng lồ sinh lời, lợi ích của cổ đông là rất lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là bước ngoặt cuộc đời của Bầu Đức khi khối tài sản khổng lồ bị chia nhỏ.
Theo thỏa thuận hợp tác, có thể thấy, HAGL của Bầu Đức đã chính thức rút lui khỏi mảng BĐS cuối cùng - dự án tại Myanmar, sau khi đã bán toàn bộ mảng BĐS tại Việt Nam trong vài năm trước đó.
Trong cuộc khủng hoảng nợ, Bầu Đức từng bán nhiều tài sản trong đó có mảng mía đường (cho Thành Thành Công) và thủy điện (cho Bitexco),... để thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. Giờ đây, Bầu Đức bán mảng BĐS cuối cùng và chia nhỏ quỹ đất nông nghiệp lớn dày công gây dựng. Hiện Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ HAGL Agrico, nhưng sau khi trái phiếu HNG mà Thaco nắm giữ được chuyển đổi thì tỷ lệ giữa HAGL và nhóm Thaco tại HAGL Agrico có thể sẽ tương đương.
M. Hà (Vietnamnet)