TN - Đất & Người

Biến vườn thành rừng, trai trẻ Đắk Lắk làm ra thứ cà phê chất lừ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cây cối trong khu vườn cà phê đặc sản của anh Vũ Mạnh Đường vẫn giữ được màu xanh tươi giữa mùa khô hạn. Dù bị coi là gàn dở, anh Đường vẫn tiếp tục theo đuổi phương thức làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp thuận tự nhiên dựa vào việc xây dựng một hệ sinh thái phong phú trên vườn cà phê của gia đình.

Trồng cây, nuôi con gì cũng có giá trị

Đến thăm "khu rừng" thu nhỏ của anh Vũ Mạnh Đường (38 tuổi) tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Anna (Đắk Lắk), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN được chủ nhà mời ở lại cùng dùng bữa trưa do chính anh xắn tay vào bếp.


 

Giữa mùa khô hạn, vườn cà phê đặc sản của anh Vũ Mạnh Đường vẫn xanh tốt. (Ảnh: PL)



Anh Đường chạy ra vườn và trở vào với một rổ đầy các loại rau quả: sâm đất, lá rang, xuyến chi, đu đủ… Gạo lứt anh cũng làm ra từ lúa trồng tại ruộng nhà. Vậy là xong một bữa ăn thanh đạm, toàn đồ sạch, hữu cơ. Đó là những thứ rau, quả được anh cho ở chung với cà phê đặc sản.

Dắt chúng tôi đi thăm một vòng khu vườn cà phê đặc sản, anh Đường dừng lại và chỉ vào một tổ ong bầu khoét lỗ trên thân tre khô, anh Đường nói: "Chim ăn sâu, kiến bống, ong giúp kìm hãm các loài thiên địch có hại trên cây trồng. Cây, con gì trong một hệ sinh thái khu rừng nhỏ cũng có giá trị riêng của chúng".


 

Một tổ ong bầu được anh Đường "quý như vàng". (Ảnh: PL)



Ngồi tỉ mẩn lựa ra những hạt cà phê bị sâu, bị vỡ trong lô cà phê đặc sản, anh Vũ Mạnh Đường nhớ lại những ngày đầu làm nông nghiệp. Năm 2015, Đường bỏ lại những ngày lênh đênh với nghề phụ lái tàu biển, anh trở về nhà và thuyết phục bố mẹ đồng ý chuyển đổi 1,8 ha cà phê làm theo cách truyền thống qua hướng làm hữu cơ. Gắn bó với cây cà phê ở Đắk Lắk nhiều năm, điều con trai nói với ông bà còn quá lạ lẫm nhưng họ vẫn gật đầu cho anh Đường tiếp quản diện tích trồng cà phê.

 

Quan sát từ tự nhiên, anh Đường đem cấy ghép rất nhiều loài hoa lan rừng lên thân cây để làm phong phú hệ sinh thái thu nhỏ. (Ảnh: PL)



Thời gian đầu, anh Đường cải tạo và canh tác cà phê đặc sản theo hướng hữu cơ, làm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh. "Có lần, bạn mình gửi cho một video nói về cách người Brazil làm nông-lâm kết hợp trong vườn rừng. Tài liệu về cách làm nông nghiệp này chưa có nhiều. Mình quan sát trong tự nhiên và bắt đầu áp dụng lên vườn cà phê theo cách của mình" - anh Đường kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Sau đó, anh Vũ Mạnh Đường bỏ độc canh cà phê, chuyển qua xen canh nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, muồng, đinh lăng, đậu đen… để tạo nhiều tầng, tán cho khu vườn. Trên những nhánh cây dưới tầm với, anh Đường còn khéo léo cấy nhiều loại lan rừng với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái phong phú như trong tự nhiên.


 

Một chùm bơ vừa đậu trái được anh Đường tỉa thưa để cây đủ chất nuôi quả. (Ảnh: PL)



Các loại cây cao, tán lớn thường xuyên được anh Đường cắt tỉa. Lượng cành lá không bị bỏ đi mà được anh tận dụng để làm phân hữu cơ cho đất theo một chu trình khép kín. Cỏ dại giúp giữ ẩm cho đất và là môi trường cho vi sinh vật phát triển. Chính nhờ vậy, Tây Nguyên đang giữa mùa khô hạn nhưng "khu rừng" của anh Đường vẫn giữ được sự mát mẻ, xanh tươi.

 

Trái cây trong "vườn rừng" của gia đình anh Đường khi thu hái luôn được giữ lại một phần để nuôi...chim trời. Ảnh: PL



Quanh vườn cà phê đặc sản, anh Đường cũng trồng nhiều cây ăn trái như chuối, xoài, mít, vải thiều, mãng cầu… Đến kỳ thu hoạch, anh thường để lại một lượng trái chín cho các loài chim ăn.

 

4 sào ruộng lúa cung cấp gạo sạch, gạo hữu cơ cho gia đình anh Đường thường xuyên ngập cỏ và lúa trời. (Ảnh: PL)



Cuối vườn, anh Đường giữ lại 3 ao cá. Anh chặn dòng nước bên ngoài chảy vào ao để đảm bảm cách ly. Bên cạnh là 4 sào ruộng, trồng lúa sử dụng trong gia đình. Anh Đường chỉ vãi lúa giống đầu mùa, sau đó để cho cỏ, lúa trời tốt ngợp.

"Thứ lúa này làm ra thứ gạo hữu cơ độc đáo, sạch. Nhiều người đến hỏi mua lúa, gạo nhưng mình có đâu mà bán. Sắp tới, mình sẽ ngăn dòng cách ly ruộng lúa này với các vựa bên cạnh để khép kín luôn diện tích canh tác" – anh Đường nói.

Vườn rừng cho ra loại cà phê đặc sản

Anh Đường cho biết vì trồng xen nhiều cây, cắt giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học khiến cho cây trồng chính là cà phê bị giảm năng suất từ 20-30%. Nhờ vào hướng canh tác mới đã cho ra hạt cà phê sạch, nền tảng để làm cà phê đặc sản. Sau tìm hiểu, anh Đường đã đăng ký theo học một lớp sơ chế, thử nếm cà phê đặc sản tại Lâm Đồng.


 

Hết mùa thu hái cà phê đặc sản, nhà kính được anh Đường tận dụng để phơi hồ tiêu, trà, dược liệu. (Ảnh: PL)



Vốn nhỏ, anh vay thêm để làm một khu nhà kính phơi cà phê đặc sản. Hết mùa, nhà kính được tận dụng để phơi khô các loại trà từ trái cây và dược liệu trong vườn.

Mùa cà phê trước, anh Đường đã áp dụng cách thức thu hái, chế biến cà phê mới theo hướng làm cà phê đặc sản. Cà phê trong vườn được hái lựa quả chín 100%, ủ lên men và phơi khô trên giàn dưới ánh nắng tự nhiên. Anh Đường cho rằng, với cách làm này cho ra chất lượng nhân xanh đồng đều, tỷ lệ tạp chất thấp, vị đậm hơn. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công nên sẽ giúp nâng cao giá trị hạt cà phê gấp 3 lần so với cách làm cà phê truyền thống.


 

Anh Vũ Mạnh Đường phải thực hiện rất nhiều công đoạn để làm ra hạt cà phê đặc sản. (Ảnh: PL)



Sau 1 năm làm cà phê kiểu mới, anh Đường mạnh dạn đem cà phê từ khu vườn "sinh thái" đi tham dự một cuộc thi về cà phê đặc sản được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Dưới sự đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên về thử nếm, cà phê của Vũ Mạnh Đường đạt số điểm cupping 80,36 - mức đạt cà phê đặc sản.

Với suy nghĩ "lạ đời", anh Đường cho rằng khu vườn đang cho mình một môi trường sống tốt. Nông sản sạch được người tiêu dùng chấp nhận trả một cái giá xứng đáng. Cách làm cà phê đặc sản mà anh đang theo đuổi cũng giúp nông nghiệp bền vững hơn.



http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/bien-vuon-thanh-rung-trai-tre-dak-lak-lam-ra-thu-ca-phe-chat-lu-1075980.html

Theo Thủy Vũ (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm