Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.
Sinh ra và lớn lên ở Bình Phước, chị Hà Thuý Tuỳ đi học và làm việc tại Hà Nội. Chị kết hôn với chồng quê ở Nam Định. Khoảng cách địa lý của hai gia đình xa xôi, nên vợ chồng chị Tuỳ quyết định mỗi năm ăn Tết một nơi.
Chị Tuỳ chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi ăn Tết quê nội ở Nam Định. Làm việc hết ngày 28, chúng tôi lại về quê đón Tết cùng gia đình".
Chị Tuỳ đã lên kế hoạch biếu Tết người thân. Ảnh: Tuý Tuỳ. |
Chị Tuỳ vốn làm kế toán cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Sau khi sinh con thứ 3, chị chấp nhận nghỉ việc để có thời gian trông con nhiều hơn. Để có thêm thu nhập, chị Tuỳ quyết định bán đồ ăn nấu sẵn tại chung cư đang sinh sống.
Nhờ nấu ăn ngon, nên chị Tuỳ rất đắt khách. Chính vì vậy, chị không quá áp lực về tiền bạc, vẫn có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng. Dịp cuối năm, nhiều khoản phải chi tiêu, chị cũng ngồi thống kê lại để chuẩn bị tài chính cho phù hợp.
Dịp Tết đến, Xuân về, chắc chắn không thể thiếu việc biếu Tết bên nội, bên ngoại. "Thực ra không ai bắt các con phải biếu Tết bố mẹ. Và nhiều khi bố mẹ cũng không cần con phải làm như vậy. Có nhiều gia đình chỉ cần con quây quần, về quê đón Tết là bố mẹ đã vui lòng" - chị Tuỳ chia sẻ.
Tuy nhiên, vì quan tâm và muốn dành những điều tốt đẹp hơn với bố mẹ, nên dịp này, chị cũng hay mua sắm hoặc biếu tiền. Chị Tuỳ chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi dự định biếu bố mẹ hai triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn mua quần áo, thuốc thang, sữa hay giỏ quà Tết về cho bố mẹ".
Theo chị này, việc biếu bao nhiêu, như thế nào còn tuỳ thuộc và thu nhập, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Riêng với gia đình chị, muốn quan tâm, bù đắp thêm nên thấy bố mẹ thiếu gì sẽ mua tặng đó.
Còn chị B.H.L (SN 1996, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, khi vẫn còn độc thân, dịp Tết chị không quan tâm quá nhiều đến việc biếu Tết. Khi đó, ngày mùng 1 Tết, chị sẽ lì xì bố mẹ khoảng 500.000-1.000.000 đồng.
Sau khi lập gia đình, chị L chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị quà Tết, biếu Tết cho bố mẹ hai bên mỗi dịp cuối năm. "Thông thường, tôi sẽ chuẩn bị hai giỏ quà biếu bố mẹ hai bên. Sau đó, vào mùng 1 Tết sẽ lì xì bố mẹ khoảng 1-2 triệu đồng" - chị Lan chia sẻ.
Bởi nhiều khi chị biếu Tiền mặt trước Tết, bố mẹ sẽ không nhận vì hai vợ chồng mới lấy nhau, có con nhỏ còn nhiều khó khăn. Cho nên, từ năm trước, vợ chồng chị L đã nghĩ ra cách mua hoa, cây cảnh Tết để tặng bố mẹ.
Gia đình chị L đã biếu Tết bên nội, ngoại bằng những chậu lan bắt mắt. Ảnh: Anh Thư. |
Chị L chia sẻ: "Nhiều khi tặng tiền bố mẹ sẽ không nhận, nhưng cứ mang cây lan, hay cây đào, quất đến nhà vào ngày 27, 28 tháng Chạp thì ông bà sẽ thấy vui lòng hơn. Trông gia đình ngập tràn không khí Tết mình cũng thấy hài lòng".
Nhiều gia đình vợ chồng đã căng thẳng với nhau bởi biếu Tết chênh lệch giữa nhà nội, nhà ngoại. Chị L cho rằng bố mẹ nào cũng cần trân quý, tôn trọng. Vì vậy, không nên có sự phân biệt ở đây. Nếu như tặng gì, mua gì cho bố mẹ vào dịp Tết cũng nên có sự đồng đều. Như vậy, trong tâm tưởng, cả vợ và chồng đều thoải mái hơn.
Theo ANH THƯ (LĐO)