Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bình Định khó khăn trong phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh tay chân miệng tại tỉnh Bình Định đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp và đã có một bệnh nhi tử vong. Trong khi ngành y tế đang tập trung phương tiện và nhân lực để hạn chế dịch bệnh lây lan, thì tại nhiều địa phương, công tác phòng chống, đặc biệt là việc bảo đảm vệ sinh môi trường vẫn chưa được chú trọng.

Huyện Phù Mỹ là điểm nóng về bệnh tay chân miệng, số ca mắc chiếm hơn 1 nửa. Tại Khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, hiện có 23 bệnh nhân đang điều trị, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều ca bệnh diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Tô Quốc Phong, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Mỹ cho biết, Khoa Truyền nhiễm có 20 giường bệnh nhưng thường xuyên phải điều trị cho hơn 40 bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác

Không riêng tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, tình trạng quá tải đang xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhất là tại các bệnh viện ở thành phố Quy Nhơn. Số ca bệnh tăng nhanh cộng với tình trạng quá tải khiến công tác tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng gặp nhiều khó khăn.

Tại nhiều nơi, người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Ở 1 số huyện miền núi, ven biển như Vân Canh, Phù Mỹ, Phù Cát..., vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, người dân không sử dụng nhà vệ sinh đúng quy cách, vứt rác bừa bãi cũng làm cho dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở xã Mỹ Thọ, có con nhỏ mắc bệnh tay chân miệng thừa nhận, vì điều kiện gia đình không có nhà cầu, đi vệ sinh xong là vứt vào rừng, rác thải cũng bỏ vào bịch rồi đưa vào rừng bỏ nên dịch bệnh dễ lây lan.

Hồi đầu tháng 3, tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã có 1 bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng. Dịch bệnh này đã xuất hiện ở 30 điểm trường, nhà trẻ, mẫu giáo trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh này vẫn chưa được người dân cũng như chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt.

Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, khó khăn nhất hiện nay chính là ý thức và thực hành của người dân trong phòng chống bệnh tay chân miệng. Nhiều địa phương tỷ lệ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh từ 30% - 40%. Ngay cả tại các nhà trẻ, các biện pháp vệ sinh chưa thực sự được quan tâm

Bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Trung. Ngành Y tế và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống, ngăn chặn, dịch bệnh này.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm