Kinh tế

Nông nghiệp

Bình Định: Lấy cây đu đủ "làm chủ" ở vườn trồng "lung tung", hái trái không kịp bán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vài năm trở lại, nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Ðịnh đã chọn trồng cây đu đủ xen canh với các loại cây trồng ngắn ngày khác như cây ớt, sả, đậu phụng, đậu đen... cách làm này cho thu nhập tốt, phát huy hiệu quả khai thác đất đai.

Đu đủ không phải là loại cây trồng mới, nhưng gần đây, giống đu đủ mà nhiều nông dân tỉnh ta chọn trồng là: Đu đủ ruột đỏ Hồng Phi của Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu và đu đủ ruột vàng Sinta của Công ty TNHH East - West Seed (Hai Mũi Tên Đỏ).

Cả hai đều là những giống đu đủ có nhiều ưu điểm, phù hợp với nhiều chân đất, cho thu hoạch sau 6 tháng trồng, sản lượng cao, ruột ngọt và thơm, được thị trường ưa chuộng.


 

 Ông Nguyễn Văn Chín, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đang thu hoạch đu đủ.
Ông Nguyễn Văn Chín, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đang thu hoạch đu đủ.


Ông Nguyễn Công Tâm, chủ vườn ươm cây trồng An Phú ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), cho biết: “Cây đu đủ sinh trưởng tốt trên những chân đất cao, không bị ngập úng rễ vào mùa mưa, trái lại dễ bán, chưa từng bị dội chợ, chưa từng phải giải cứu nên ngày càng có thêm nhiều nhà vườn ở Tây Sơn, An Nhơn, kể cả TX An Khê (tỉnh Gia Lai) đã đặt tôi sản xuất đu đủ giống với số lượng lớn...".

Theo ông Tâm, các nhà vườn hầu hết đều mua từ vài trăm cây đu đủ giống trở lên để về xen canh với các loại cây ngắn ngày. Từ chỗ là cây đu đủ là cây trồng phụ, nhiều nhà vườn đảo vị trí, đưa cây đu đủ thành cây trồng chính, rau, đậu thành cây trồng phụ.
Năm 2019, ông Đặng Ngọc Hải, thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) trồng thử 100 gốc đu đủ xen với cây đậu phụng, sả trên 5 sào đất.

Ông Hải kể: “Nhiều người bảo tôi bị khùng hay sao mà trồng đu đủ vì vào mùa mưa vùng này hay bị lụt, cây sống sao nổi. Nhưng thực tế đu đủ của tôi rất sai trái và thương lái đã đến đặt mua trước”.

Tương tự ông Hải, hai anh em Thái Ngọc Tuấn và Thái Văn Nghiệp, ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn tìm hiểu cách trồng cây đu đủ cao sản ở vườn ươm An Phú. Sau đó họ trồng hơn 1.000 cây trên 5.000 m2 đất đồi lẫn sỏi vốn trồng keo lai.

Anh Nghiệp chia sẻ: Trồng cây đu đủ trên chân đất đồi, cao ráo dễ thoát nước, không bị úng rễ khi trời mưa lớn hoặc vào mùa mưa. Song, cần phải tưới tiêu đầy đủ để cây phát triển ổn định, nếu gặp hạn kéo dài thì cây sẽ lụi ngọn, hoa héo, quả giảm sút chất lượng. Chỉ sau 6 tháng trồng là tôi đã thu hoạch trái...".

Anh Nghiệp cho hay: Tầm 2 - 3 ngày thu hoạch trái đu đủ 1 lần, mỗi lần cỡ 400 - 500 kg, giá bán trái đu đủ thương lái mua tận vườn là 3.000 đồng/kg. Với giá này thì có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu, nếu mình đem bán tận chợ thì giá còn cao hơn nhiều.

Không chỉ ở huyện Tây Sơn, ở huyện Tuy Phước, đặc biệt ở xã Phước Hiệp nhiều người cũng khá lên nhờ trồng đu đủ. Theo ông Trình Ngọc Bích, cán bộ khuyến nông xã Phước Hiệp, chỉ tính những người chuyên canh thôi, hiện toàn xã có 45 hộ với diện tích gần 7 ha trồng đu đủ.

Ở xã Phước Hiệp, trồng đu đủ nhiều nhất là ở thôn Lục Lễ. Nông dân trồng đu đủ và xen canh một số cây trồng ngắn ngày nên hệ số khai thác đất rất tốt, hiệu quả lại cao.

Ông Phan Văn Phước, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, hồ hởi: “Tôi được cán bộ kỹ thuật Vườn ươm giống cây trồng Hải Trầm (xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), hướng dẫn kỹ càng. Thấy cây đu đủ cũng dễ trồng nên tôi mua, trồng ngay 300 gốc đu đủ ruột đỏ Hồng Phi trên diện tích gần 2.000 m2...".

Để tiện chăm bón, tiết kiệm vật tư phân bón, công chăm sóc ông Phước cho trồng đu đủ xen canh thêm ớt. Sau 6 tháng, thương lái tìm đến tận vườn mua đu đủ trái với giá 4.000 đồng/kg, cứ 3 ngày thì thu hoạch trái đu đủ một lần, đạt gần 300 kg. Cộng với khoản thu từ cây ớt cũng được một khoản rất khá.

Cùng ở Lục Lễ nhưng ông Nguyễn Văn Chín, lại trồng giống đu đủ ruột vàng Sinta xen với sả, ớt. Ông Chín kể: “Tôi trồng 300 cây, giống ruột vàng này rất sai trái và cho trái quanh năm. Muốn mau có tiền thì bán trái xanh để họ mua về bào làm gỏi, dưa món. Đu đủ Sinta ruột vàng rất đẹp, lại ngọt nên thương lái gọi điện hỏi liên tục, nhất là những ngày rằm, mùng một”.

Ở các huyện, thị xã ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cây đu đủ được trồng với quy mô lớn, cách đầu tư cũng bài bản hơn. Trường hợp ông Võ Long Thành, khu phố Định Bình, phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn là một điển hình.

Ông Thành có gần 2 ha chuyên canh trồng đu đủ. Ông Thành cho biết: “Ban đầu tôi trồng vài sào, thấy cây đu đủ dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc, dễ tiêu thụ, với lại giá trị kinh tế khá hơn bắp, mì nên tôi đã tăng dần. Đến nay tôi có hơn 1.300 gốc đu đủ, cứ 2 - 3 ngày thu hoạch trái 1 lần, mỗi lần có ít cũng đến 500 kg. Khách hàng của tôi là thương lái trong tỉnh, gần đây còn có cả từ TP Đà Nẵng nữa”.

 


Trồng 600 gốc đu đủ xen với bắp và đậu đen trên thổ đất 5 sào, ông Nguyễn Văn Ẩn, thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), chia sẻ: “Đu đủ là một loại cây trồng rất hấp dẫn, cho trái quanh năm, nếu mình chăm sóc đúng kỹ thuật thì rất sai và đều. Năm ngoái tôi còn bán được đu đủ trái giá 6.000 đồng/kg. Năm nay giá bán đu đủ giảm xuống chỉ còn một nửa nhưng thu nhập từ vườn đu đủ của tôi vẫn rất khá vì cây rất sai trái. Nhờ cán bộ khuyến nông tích cực phổ biến kiến thức, giới thiệu giống mới bà con nông dân nhẹ việc hẳn”.


https://danviet.vn/binh-dinh-lay-cay-du-du-lam-chu-trong-khu-vuon-trong-lung-tung-hai-trai-khong-kip-ban-20200810190331194.htm

Theo NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG (Báo Bình Định/Dân Việt)
 

Có thể bạn quan tâm