Phóng viên: Điều 46 Luật Nhà ở 2014 cho phép gia đình được xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín. Tuy nhiên, hiện chưa có định nghĩa, quy định cụ thể nào cho loại hình chung cư mini. Theo ông, đây có phải là lỗ hổng về pháp lý?
Ông Trần Chủng: Đúng là luật không cấm nhà chung cư mini, tuy nhiên việc xây dựng phải thỏa mãn điều kiện về xây dựng để đảm bảo an toàn. Chúng ta đã có một hệ thống pháp luật về xây dựng, phòng chống cháy nổ khá đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho loại hình chung cư mini. Ví dụ diện tích thế này thì được xây quy mô thế nào, yêu cầu về vấn đề chịu lực, phòng chống cháy nổ và các vấn đề an toàn khác ra sao. Các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu sớm để có những quy định như vậy. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt thì cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Vậy theo ông, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ nói chung cũng như tại các chung cư mini nói riêng, cần phải làm gì?
Trước hết, các chủ thể xây dựng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng, phòng chống cháy nổ. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng công trình, từ các biện pháp về móng, kết cấu, thiết kế nhà ở để đảm bảo an toàn sinh mạng, khả năng về cứu nạn cứu hộ... Bên cạnh đó, việc đặt ra quy định và giám sát thực hiện cần cụ thể, chặt chẽ hơn. Ví dụ, ngoài điều kiện phòng cháy, thoát hiểm, cần yêu cầu các chung cư sử dụng vật liệu xây dựng chống cháy hoặc khi cháy không giải phóng ra những chất độc, gây ngạt. Một vấn đề cần quan tâm nữa là cần tập huấn, trang bị các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm cho người dân.
Vấn đề xử lý trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra vụ cháy thiệt hại lớn như vậy thì sao, thưa ông?
Cần xác định nguyên nhân vụ cháy, xem hồ sơ xây dựng, công tác phòng chống cháy nổ có được cơ quan chức năng phê duyệt hay không, vi phạm ở đâu. Đây là việc của cơ quan điều tra. Ai sai phạm, ở đâu sai phạm sẽ xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Cũng căn cứ trên kết luận điều tra, các cơ quan chức năng sẽ nhìn ra những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước và có giải pháp rà soát, khắc phục kịp thời. Vấn đề là các biện pháp ngăn ngừa thảm họa trong tương lai cần được thực hiện một cách thực chất, quyết liệt chứ không phải chỉ là hình thức, để ngăn ngừa những vụ việc đau lòng có thể xảy ra.