Phóng sự - Ký sự

Phố độc lạ ở TP.HCM: 'Hồi sinh' đồ gỗ xuyên tháng năm đường Phạm Thế Hiển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Phố đồ gỗ cũ' (ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM) tồn tại giữa lòng phố thị hơn một phần tư thế kỷ. Con phố có hơn 20 cửa hàng, xưởng chuyên tái chế đồ gỗ cũ.

Chúng tôi ghé thăm các cửa hàng chuyên bán đồ gỗ cũ trên đường Phạm Thế Hiển vào một chiều đầu tháng 11.2024. Nếu đi sâu vào trong hẻm 124 sẽ thấy nhiều xưởng gỗ với âm thanh đục đẽo, bào gọt, cưa xẻ vang lên đều đặn; hòa cùng tiếng rộn ràng của người mua kẻ bán.

Trong ký ức của người Sài Gòn vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước; trên các hang cùng ngõ hẻm của thành phố là tiếng rao giản dị, quen thuộc của những người thu mua gỗ sê - cần - hen (second - hand gọi là đồ cũ): “Ai có gỗ cũ, bàn ghế, tủ gỗ không, tôi mua”. Ngày nay, tiếng rao ấy đã thưa dần và đa số được thu âm rồi phát bằng loa.

Hỏi thăm chủ tiệm của nhiều cửa hàng, đa số là dân nhập cư đến đây thuê đất để làm ăn. Nhưng nhiều nhất là người miền Tây như: Long An, Cần Thơ, An Giang…

Phố đồ gỗ cũ nằm ở đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM). ẢNH: UYỂN NHI
Phố đồ gỗ cũ nằm ở đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM). ẢNH: UYỂN NHI

Cũ mà… sang

Trong ánh sáng của các bóng đèn màu trắng, chúng tôi len lỏi qua những đống ngổn ngang để tìm vào xưởng nằm sâu phía trong con hẻm. Ở đây, từ ghế đẩu, ghế đai, salon thùng khung cẩm lai đến hoành phi câu đối khảm trai, đỉnh thất lân vờn cầu..., đều đủ cả.

Chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên đang tỉ mỉ đánh vecni bộ salon thùng băng dài và 3 ghế đơn. Lân la hỏi chuyện và hỏi tên, anh nói tên Trì (47 tuổi, quê ở Long An). Anh lên TP.HCM mưu sinh từ tuổi đôi mươi, khi “xóm đồ gỗ” trao đổi nội thất chủ yếu bằng thuyền, ghe thông qua các thương lái ngoại tỉnh.

Anh Trì nhớ lại, “xóm gỗ sê - cần - hen” trước kia chỉ nhộn nhịp ở mé sát bờ kênh, nhưng nay mặt tiền ngoài đường nhựa mới là điểm thu hút khách. Nên tại đường chính Phạm Thế Hiển, các chủ vựa bày biện đồ gỗ cũ đã được tân trang, còn phía trong được tận dụng làm kho chứa và nơi giao dịch cho những người thạo nghề.

Xóm đồ gỗ cũ có hơn 20 xưởng và cửa hàng. ẢNH: UYỂN NHI
Xóm đồ gỗ cũ có hơn 20 xưởng và cửa hàng. ẢNH: UYỂN NHI

Anh Trì không rõ con phố hình thành từ năm nào, chỉ nhớ khi anh bắt đầu “nhập môn” chế tác đồ gỗ cũ cách đây 13 năm, con phố này đã tấp nập các xưởng và cửa hàng từ trước đó.

Anh Trì chỉ biết bà Liễu là một trong những người đặt nền móng cho nghề buôn đồ gỗ cũ ở phố này. Gần 40 năm trước, bà Liễu chuyên mua đồ gỗ cũ hiếm, quý rồi “gặp thời thành đại gia” nên nhiều người mở cửa hàng, xưởng khởi nghiệp theo.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh Trì kể hồi trước ở quê anh làm nông, nhưng không đủ để nuôi 2 đứa con ăn học. Nghe người thân “kháo” lên TP.HCM chế tác đồ gỗ cũ “kiếm được”, anh đi luôn. Ban đầu, anh làm thuê như quét dọn, cạo gỗ… Nhưng vì niềm đam mê nên anh cố gắng học hỏi, tìm hiểu từng loại gỗ rồi dành dụm vốn liếng mở cửa hàng.

“Làm sao biết các nội thất làm từ gỗ gì?”, chúng tôi hỏi. Anh Trì chỉ tay vào chiếc tủ bên cạnh rồi cười nói: “Tủ này làm bằng gỗ gõ đỏ. Người có kinh nghiệm sẽ biết đâu là gỗ bình thường, đâu là gỗ quý như: trắc, nu, cẩm… thông qua việc cạo lớp sơn cũ ra".

Các "nghệ nhân" đa số là dân nhập cư miền Tây. ẢNH: UYỂN NHI
Các "nghệ nhân" đa số là dân nhập cư miền Tây. ẢNH: UYỂN NHI

Gắn bó với phố đồ gỗ này hơn 13 năm, anh Trì nói cùng một tủ, hay bộ bàn ghế mỗi cửa hàng có thể bán chênh nhau vài triệu đồng. Giá đắt hay rẻ phụ thuộc vào việc chủ buôn mua lại được từ ai, nguồn gốc từ đâu và sửa lại như thế nào.

Để ý thấy lâu lâu có vài chuyến xe ba gác tấp nập ra vào con hẻm. Anh Trì nói, trước đây khách và lái ra vào khu phố này tấp nập như bến chợ; nhưng sau đợt dịch Covid-19, các cửa hàng gỗ ế ẩm và lượng mua bán chỉ bằng 30% lúc trước.

Tuy nhiên, giá đồ gỗ cũ vẫn tăng vọt vì các quán cà phê, homestay theo phong cách vintage mọc lên như nấm. Như cửa hàng của anh Trì, mối của anh chủ yếu là khách quen ở Bến Tre, Kiên Giang, Đà Lạt và ở nước ngoài.

Để "hồi sinh" đồ gỗ cũ thành tác phẩm giá trị, thợ mộc phải làm việc tỉ mỉ và tinh xảo. ẢNH: UYỂN NHI - DU YÊN
Để "hồi sinh" đồ gỗ cũ thành tác phẩm giá trị, thợ mộc phải làm việc tỉ mỉ và tinh xảo. ẢNH: UYỂN NHI - DU YÊN

Đi tìm quá khứ trong đồ gỗ cũ

Mỗi chiếc ghế, tủ gỗ không đơn thuần là vật dụng, mà còn là một phần của ký ức, lưu giữ câu chuyện về những thời khắc đã qua. Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những thớ gỗ, vân gỗ có tuổi đời từ 50 đến 100 năm vượt quá ngưỡng chờ đợi của đời người.

Anh Dương Quốc Huy (46 tuổi, ở Q.8), là một nghệ nhân có kinh nghiệm chế tác đồ gỗ hơn 1 thập kỷ cho rằng, nét khác biệt nhất giữa đồ cổ và giả cổ là nét mộc. Nét mộc của gỗ xưa được làm thủ công, các chi tiết rất có “hồn”, sắc sảo và độc nhất vô nhị. Còn nét mộc ngày này đẹp nhưng không sang và mất đi phần "hồn". Ngoài ra, kỹ thuật chế tác gỗ cổ là phương pháp truyền thống “đóng mộng” (ghép nối các mảnh gỗ với nhau) tạo nên sự chắc chắn, bền bỉ và tối kỵ đóng đinh, bắt vít như thời nay.

Thợ tân trang đồ gỗ cũ có mức lương dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. ẢNH: UYỂN NHI
Thợ tân trang đồ gỗ cũ có mức lương dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. ẢNH: UYỂN NHI

Muốn sống lâu dài với nghề, theo anh Huy ngoài sự đam mê, yêu thích thì thợ mộc cần có kiến thức như: hiểu rõ về lịch sử, tuổi đời, loại gỗ của các món đồ. Chỉ tay vào một tủ nhỏ, anh mở điện thoại ra rồi đưa cho tôi xem những bức hình đối chiếu.

Anh Huy tiếp lời: “Những năm 1990 đầu năm 2000, các gánh hàng rong ở Sài Gòn thường dùng những món đồ này để gánh bánh. Để hiểu rõ nguồn gốc và lịch sử của chúng, tôi thường xem phim tài liệu và đọc sách lịch sử mỹ thuật xưa. Hầu hết sản phẩm trong cửa hàng tôi đều là đồ xưa cũ".

Anh Huy giới thiệu tủ đựng bánh của các gánh hàng rong ngày xưa. ẢNH: UYỂN NHI
Anh Huy giới thiệu tủ đựng bánh của các gánh hàng rong ngày xưa. ẢNH: UYỂN NHI

Đa số những “nghệ nhân” mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện cùng rất “tôn thờ” gỗ tự nhiên nên xem nội thất gỗ nhân tạo như đồ bỏ đi. Họ quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nên không sợ cạnh tranh với hàng công nghiệp nhanh chóng.

Với xu hướng sống xanh và bảo vệ môi trường, việc tái chế đồ gỗ cũ ngày càng được ưa chuộng. Chính vì thế, dù thời gian có đổi thay, xóm đồ gỗ cũ đường Phạm Thế Hiển vẫn giữ được nét độc đáo, trở thành phần không thể thiếu của phố thị.

Nơi đây là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, khi những món đồ trở thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại, đầy giá trị và sức sống.

Theo (TNO)

Có thể bạn quan tâm