Phóng sự - Ký sự

Những dòng phù sa mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ vài tháng trước, nơi này từng chìm sâu trong mầu nước lũ đục ngầu, dữ dội.

Lũ lụt lấy đi nhiều thứ nhưng để lại cho đất đai xứ sở những lớp phù sa mới. Và hơn cả dòng phù sa ấy là những dòng phù sa được bồi đắp nên từ chính bàn tay, tâm hồn của chúng ta…

nhung-dong-phu-sa.jpg

Nắng trên sông trong vắt như thể đã được tinh lọc qua bao nhiêu ngày tháng. Một dải mềm óng ả buông lơi giữa đôi bờ thành phố. Sông Hồng như mơ màng giữa nhịp hối hả, sôi động. Đứng trên cây cầu Long Biên lịch sử, nhìn đoàn tàu từ từ rời ga, nhìn những bờ bãi đang xanh lên trong nắng, bến hoa Phúc Xá óng vàng muôn sắc hân hoan, trong tôi rộn lên bao nhiêu cảm xúc.

Phù sa từ bàn tay

Đứng giữa bãi bồi sông Hồng, chung quanh là những thửa rau vừa được trồng còn chưa kịp bén rễ, những luống ngô đang khó nhọc trồi lên khỏi mặt đất rắn đanh, tôi không khỏi ngạc nhiên. Sau trận lũ lịch sử tháng 9 vừa qua, người dân canh tác nơi bãi giữa mất trắng mùa màng, tôi vốn nghĩ phù sa do lũ để lại sẽ bù đắp cho họ những mỡ màu tươi tốt. Nhưng thực tế câu chuyện của phù sa không đơn giản như thế. Nơi tôi đang đứng từng bị ngập sâu trong nước hơn hai mét, khi nước rút đi để lại những lớp phù sa dày và rắn, gặp nắng lâu ngày, mặt đất như đanh lại.

Giữa bãi, anh Nguyễn Văn Thanh (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đang miệt mài đưa ống dẫn nước từ giếng khoan lên dẫn chảy vào các luống rau, rạch ngô. Nước chảy đến đâu, những thớ đất nâu thẫm lại một mầu dịu mắt, nước len lỏi thấm sâu vào đất như xoa dịu như thầm thì để đất vỡ ra mềm mại. Anh Thanh bảo đây là lứa rau, lứa ngô đầu tiên gia đình anh trồng lại sau đợt lũ vừa rồi, nếu thuận lợi sẽ thu hoạch vào đúng dịp Tết. Tôi hỏi anh sao đất phù sa mà lại khó gieo trồng đến vậy. Nheo nheo ánh mắt vì nắng, anh bảo: “Đất được cày xới nhiều thì mới tơi xốp dễ trồng trọt, phù sa bồi lên thế này, chặt như nền nhà vậy, mất nhiều công xới sáo, chăm tưới lắm, vậy mà vẫn cứ khô rang ra đây này. Phù sa tốt nhất là từ bàn tay ta tạo ra…”. Nghe anh nói, trong tôi như vỡ lẽ ra bao điều. Có những ý nghĩa lớn ta học được từ những điều thật dung dị.

Toàn bộ cuộc sống của gia đình anh Thanh phụ thuộc vào 6 sào đất trồng trọt ở bãi sông này. Từ những năm 1969 ông bà anh đã canh tác trồng trọt ở đây, rồi đến bố mẹ anh và giờ đến thế hệ anh gắn bó với bãi bồi này. Tôi hỏi, ở Hà Nội có rất nhiều công việc đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn, ổn định hơn sao anh lại chọn làm nông. Anh bảo, cô nhìn xem, bao nhiêu công cày sâu cuốc bẫm từ thế hệ ông bà mình cho đến mình để được như thế này. Ngày xưa, lúc ông bà mới vỡ vạc chắc chắn là cực nhọc hơn thế này nhiều, thế mà giờ con cháu không làm lụng không sinh sống trên đất này thì xem như công sức ông bà đổ sông đổ biển... Anh Thanh nặng lòng với mảnh đất này vì những tình cảm gia đình, vì mưu sinh và vì cả những gắn bó vô hình mà sâu đậm. Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng anh đã trở dậy, đi qua cầu Long Biên khi thành phố vẫn còn ngái ngủ để đến bãi sông này. Mùa nào hoa mầu ấy, nhờ sự cần mẫn mà gia đình anh có cuộc sống ổn định. Bây giờ đang vào vụ gieo trồng để đón Tết nên anh càng dành nhiều thời gian công sức hơn, với ước mong một vụ mùa no ấm sau những mất mát bởi thiên tai.

Bên cạnh những thửa đất của gia đình anh Thanh, những người hàng xóm cũng đang làm công việc tương tự. Những nhát cuốc xới lên từng lớp phù sa để gieo vào đó mầu xanh, sự sống. Dù đất đai có rắn chắc đến đâu thì dưới bàn tay lao động, đất vẫn mở lòng cho những niềm hy vọng. Trước đây, tôi vốn chỉ quen đứng trên cầu để nhìn xuống bãi mà ngắm hoa màu tươi tốt. Khi cơn lũ lịch sử đi qua, nhìn thấy mầu xanh trở lại, tôi suy nghĩ nhiều hơn về ý chí của con người trước thiên tai. Bình dị và hăng say, những người nông dân là những người nhanh nhất đem lại sự sống cho đất đai, hồi sinh đất đai. Nhìn họ say mê trên cánh đồng của mình, tôi đã thấy một mùa xuân bội thu trước mắt, tôi tin vào phù sa từ những bàn tay…

phusa.jpg
Phụ nữ quận Ba Đình chăm tưới hoa. Ảnh: KỲ NAM

Trồng hoa thay vì xả rác

Bến hoa Phúc Xá óng vàng trong nắng chiều bên sông. Những cánh hoa như đang trổ hết mình cho mùa đầu tiên với bao nhiêu tươi mới. Nhìn từng đoàn khách du lịch ghé chơi vườn hoa, vãn cảnh, chụp ảnh, ngắm hoàng hôn trên bãi sông, những em bé nô đùa trên bãi cỏ xanh, nghịch đất cát như tuổi thơ một thời xa lắm. Thật khó để hình dung chỉ vài tháng trước thôi, nơi này là một bãi rác khổng lồ lưu cữu nhiều năm... Hà Nội đã thật sự quyết liệt khi giải tỏa được tình trạng dựng nhà lán tạm sai quy định, lấn chiếm bờ sông làm nơi chăn nuôi, xả rác thải gây ô nhiễm. Phúc Xá hôm nay đã mang diện mạo của một đời sống khác.

Bên cạnh vườn hoa đang khoe sắc, bên cạnh hàng trăm du khách ghé chơi bến hoa Phúc Xá, tôi thấy rất nhiều thửa đất quanh đó cũng đang bắt đầu được gieo trồng. Một người đàn ông chạc ngoài bốn mươi, trông không có dáng nông dân lắm, đang lúi húi nhổ cỏ bên những luống hướng dương mới cao chưa qua đầu gối. Tôi hỏi, anh trồng hoa để bán dịp Tết phải không? Anh ngẩng lên tươi cười giải thích, anh và mọi người trồng hoa để làm đẹp cho bến hoa Phúc Xá, không phải trồng để bán, dù đây là thửa ruộng nhà anh. Anh là Ngô Văn Tiến, gia đình anh đã sinh sống ở đây từ những năm 1954. Tuổi thơ anh gắn với “nỗi buồn” của mảnh đất Phúc Xá này. Anh kể, trong suốt bao nhiêu năm tuổi thơ và tuổi trẻ, cứ nhắc đến Phúc Xá là mọi người chỉ nhắc đến tệ nạn, đến nỗi anh không thể có bạn chỉ vì địa chỉ gia đình ở Phúc Xá. Anh khao khát thay đổi quan niệm đó, thay đổi thực tế đó vì những đứa trẻ được sinh ra được lớn lên từ đây. Anh muốn những con người nơi đây trồng hoa thay vì xả rác, sống đẹp thay vì tệ nạn.

Chị Liên cho biết thêm, những người dân trước đây lấn chiếm đất để chăn nuôi, xả rác thì nay chính họ là những người rất tích cực góp phần cải tạo nơi này bởi họ cảm nhận rất rõ nơi mình sống đang sạch đẹp lên, tươi mới hơn.

Câu chuyện của anh Tiến cũng là câu chuyện của biết bao nhiêu người khao khát cái đẹp được hồi sinh, được trổ bông trên chính mảnh đất này. Ở ngay sát trung tâm thành phố, bên cạnh những di tích, danh lam nổi tiếng của Hà Nội, cùng với sự bồi lắng của dòng chảy sông Hồng qua thời gian, nơi đây như được tạo hóa ban cho một thế đứng vững chãi, vừa có cái sôi động của nhịp sống phố vừa có cái thoáng đãng mỡ màu của ngoại ô. Lịch sử đã cho chúng ta cây cầu Long Biên đẹp đến dường kia, địa lý đã cho ta bãi sông thơ mộng thế này, không lý gì nơi đây không thể trở thành điểm đến của cái đẹp, không lý gì người dân nơi đây lại không thể có cuộc sống tốt đẹp hơn...

Tôi ấn tượng sâu sắc câu chuyện anh Tiến kể về một người cựu binh già. Ông là bộ đội bảo vệ cầu Long Biên trong những ngày tháng lịch sử khi Pháp rút quân qua cầu Long Biên, rời khỏi Hà Nội tháng 10/1954. Ông yêu cây cầu huyền thoại tha thiết, yêu dòng sông Hồng, yêu bãi sông nơi đây bởi ghi dấu thời trẻ trai sôi sục gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau giải phóng ông sống tha phương, mỗi lần về lại Hà Nội ông đều đến cầu Long Biên để hoài niệm về quá khứ. Cả một thời gian dài ông đã phải mang theo nỗi buồn rời Hà Nội, bởi bãi sông thơ mộng ngày xưa trở thành bãi rác lớn. Nhưng lần trở lại vào tháng 10 vừa qua để kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô ông đã khóc vì hạnh phúc. Niềm vui ấy vượt ra ngoài sức tưởng tượng của người lính già khi thấy bãi rác bao năm qua nay đã là bến hoa Phúc Xá.

Mặt trời buông dần bên sông, không gian như càng rực lên bởi ý nghĩ về cái đẹp được lan tỏa trong mỗi người. Tôi đến bên những người phụ nữ đang trồng hoa và được biết đó là những cán bộ phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình. Vừa tranh thủ trồng hoa kẻo trời mùa này nhanh tối, vừa trò chuyện, chị Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình chia sẻ: Việc cải tạo bến hoa Phúc Xá mang lại những niềm vui, ý nghĩa lớn. Một là bảo đảm lưu thông dòng chảy, bảo vệ đê điều, tránh được hậu quả của mưa lũ thiên tai, hai là cải tạo môi trường, bảo đảm môi trường sạch đẹp, ba là khai thác tiềm năng du lịch, tạo cảnh quan cho thành phố, góp phần tôn tạo vẻ đẹp của thành phố nói chung, khu vực chung quanh cầu Long Biên lịch sử nói riêng. Bến hoa Phúc Xá được hình thành và tiếp tục cải tạo, phát triển cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường sống.

Nhìn bàn tay những người phụ nữ đang xới đất gieo trồng, chăm tưới hoa, tôi nhận ra mùa xuân đang về trong từng mạch đất. Những dòng phù sa mới đang âm thầm bồi đắp để làm nên mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người.

Theo Ghi chép của KIM NHUNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm