Thời sự - Bình luận

Tiếp cận nguồn tài chính khí hậu để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thảo về đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đặt ra cơ hội thu hút nguồn đầu tư mới cho phát triển xanh, bền vững.

Theo đó, Hội thảo về “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh, hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” được tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 15-11 vừa qua đặt ra nhiều vấn đề cho Việt Nam về cơ hội thu hút nguồn đầu tư mới, tạo đột phá trong phát triển xanh, bền vững trên cơ sở tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh từ các địa phương.

biendoikhi-hay.png
Chuỗi Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net zero tại Việt Nam” sẽ được tổ chức tại 3 miền Bắc - Trung – Nam. Ảnh nguồn: Internet

Những thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu là nguyên nhân dẫn tới 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Trong đó, biến đổi khí hậu được xem là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Hầu hết lượng khí thải nhà kính đến từ các quốc gia giàu có, phát triển công nghiệp. Các nước nghèo, ít nhà máy, ô tô và thiết bị gia dụng đốt nhiên liệu hóa thạch chỉ thải ra một phần nhỏ tổng lượng khí thải.

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đề ra nguyên tắc: Ai tạo ra nhiều khí thải phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong giải quyết hậu quả. Đây là cơ sở để hình thành nguồn tài chính khí hậu, giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

Cách đây 15 năm, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải nhà kính, bao gồm nguồn quỹ chảy qua các kênh song phương, khu vực và đa phương, các quỹ tư nhân thông qua nhiều cơ chế khác nhau như tài trợ, cho vay và thậm chí là bảo hiểm.

Việt Nam là 1 trong 5 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, dự kiến có thể làm giảm thu nhập quốc gia tới 3,5% vào năm 2050. Do đó, cần có kế hoạch hành động nhanh, quyết tâm cao để tận dụng các cơ hội từ nguồn tài chính khí hậu và tài chính xanh toàn cầu nhằm phục vụ cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế phát thải thấp.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm.

Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Nhất là khi chúng ta phải chịu tác động từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà Liên minh châu Âu áp dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu của họ trong các lĩnh vực: sắt thép, nhôm, xi măng, hóa chất phân bón, hydro, điện, năng lượng... Đây là những ngành đang chiếm 94% lượng phát thải ở châu Âu.

Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2025, hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm nông-lâm sản và dệt may (trong khi 95% bông sợi ta phải nhập từ Trung Quốc), nếu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, xuất khẩu nông-lâm sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam.

Cho nên, có thể thấy, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc huy động nguồn tài chính khí hậu. Các chuyên gia cho rằng, tận dụng thế mạnh của quốc gia nhiệt đới, Việt Nam có thể huy động nguồn tài chính này bắt đầu từ việc hình thành thị trường tín chỉ carbon nhờ vào việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng hợp lý và phát triển nông nghiệp phát thải thấp.

Dự kiến sang năm 2025, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2029. Các nước phát triển ở châu Âu, Canada, Mỹ, New Zeland, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng mua tín chỉ carbon của Việt Nam, thậm chí là để dự trữ.

Chúng ta từng có Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2021. Hiện nay, Nhật Bản đang đàm phán để kéo dài đến năm 2030. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nước thứ 2 đã có khung hợp tác về biến đổi khí hậu với Việt Nam. Kết nối thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước sẽ mang lại nhiều cơ hội để Việt Nam huy động nguồn tài chính xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài việc khai thác nguồn tài chính khí hậu từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính thì hình thành và đưa vào hoạt động thị trường mua bán tín chỉ carbon rất cần sự chung tay của cộng đồng địa phương thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch xanh, sản xuất lúa phát thải thấp, trồng rừng phòng hộ để tăng tỷ lệ che phủ rừng, phát triển năng lượng tái tạo...

Trong đó, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường này, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và đất nước.

Có thể bạn quan tâm