Bạn đọc

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến các thủ tục bản sao hộ chiếu và cấp phép cho lao động người nước ngoài.

* Kiến nghị:

Tại điểm a khoản 4 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, theo đó, quy định tạo điều kiện thuận lợi về lao động và chuyên gia như sau: “Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thực hiện như sau: Bản sao hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã hết hiệu lực, hiện nay có một số trường hợp hộ chiếu của người lao động nước ngoài không thể chứng thực theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, gây khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Đề nghị Chính phủ xem xét thực hiện linh hoạt, nới lỏng quy định về bản sao hộ chiếu của người lao động nước ngoài quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP” .

Tại khoản 8 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, quy định “Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm” là những trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật đối với lao động là người nước ngoài, quy định này đã tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp trong việc mời các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để kịp thời xử lý các vụ việc đột xuất...

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực tế, quy định này vẫn còn chung chung, việc xác định thời gian làm việc của người nước ngoài tương đối khó khăn. Do đó, một số đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài có thể lợi dụng kẽ hở trong quy định này để tiếp tục sử dụng lao động nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam trên 30 ngày mà không thực hiện các quy định về việc cấp giấy phép lao động. Đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chi tiết nội dung quy định tại khoản 8 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, bảo đảm tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp có thể nhanh chóng sử dụng lao động nước ngoài để xử lý các vụ việc đột xuất vừa không để tình trạng lợi dụng kẽ hở quy định.

Tại Mục 4 Chương II Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về việc cấp lại giấy phép lao động: Đối với nội dung cấp lại giấy phép lao động do thay đổi địa điểm làm việc trên giấy phép lao động chưa được quy định rõ ràng. Cụ thể: Trường hợp công ty, doanh nghiệp điều động lao động nước ngoài đến làm việc tại các tỉnh, thành phố khác theo hợp đồng giữa các công ty, việc đề nghị cấp lại giấy phép lao động để thay đổi nội dung địa điểm làm việc ghi trên giấy phép lao động chưa quy định cụ thể đơn vị tiếp nhận hồ sơ. Đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định về đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp lại giấy phép lao động do thay đổi nội dung địa điểm làm việc ghi trên giấy phép lao động tại Mục 4 Chương II Nghị định số 152/2020/NĐ-CP để các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật.

*Trả lời:

1. Về kiến nghị “nới lỏng” quy định về bản sao hộ chiếu của người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, khoản 7 Điều 9, khoản 5 Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP

Theo quy định tại điểm g khoản 13 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép lao động thì thành phần hồ sơ là bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động.

2. Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP

Theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là người làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 1 năm. Như vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ đủ 30 ngày trở lên phải thực hiện cấp giấy phép lao động theo quy định để đảm bảo quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài nhập cảnh trong thời gian ngắn vào Việt Nam làm việc.

3. Về kiến nghị cấp lại giấy phép lao động do thay đổi địa điểm làm việc

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì chỉ cần một giấy phép lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp để đảm bảo thống nhất quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính cho người sử dụng lao động khi không phải làm nhiều giấy phép lao động tại các tỉnh, thành phố.

Có thể bạn quan tâm