Sức khỏe

Dinh dưỡng

Bố mẹ bận dọn Tết, bé 13 tháng tuổi bị hóc hạt đậu phộng vào phổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bố mẹ bận lo dọn dẹp ngày Tết, bé 13 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị hóc dị vật phải đi cấp cứu. Các bác sĩ xác định bé bị hóc hạt đậu phộng.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu cho bé 13 tháng tuổi bị hóc dị vật. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu cho bé 13 tháng tuổi bị hóc dị vật. Ảnh: BVCC


Ngày 30.1, trao đổi với Báo Lao Động, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa cấp cứu kịp thời một bệnh nhi bị hóc dị vật vào phổi cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh nhi là một bé gái 13 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Tháp. Khai thác bệnh sử, lúc bố mẹ và gia đình đang dọn dẹp chuẩn bị đón Tết thì bất ngờ phát hiện con gái ho sặc sụa, khò khè và ói liên tục. Khi họ chạy đến chỗ con và phát hiện trên tay bé vẫn còn cầm thanh kẹo đậu phộng gặm dang dở. Gia đình tức tốc đưa bé từ quê lên bệnh viện ở TPHCM.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, các kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhi có dị vật tắc chèn ngay ống phế quản phân nhánh các thùy phổi trái. Ngay lập tức, bé được chuyển phòng mổ tiến hành soi gắp kiểm tra thông thoáng đường thở.

Không ngoài dự đoán, ekip điều trị gắp ra dị vật là hạt đậu phộng đang mắc kẹt và gây ứ khí căng phồng phổi trái. Nếu để lâu hay đến viện trễ thêm một chút thời gian, bệnh nhi có nguy cơ tràn khí màng phổi hoặc viêm phổi kéo dài, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, thậm chí nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân...


 

 Dị vật là hạt đậu phộng sau khi được gắp ra ngoài.
Dị vật là hạt đậu phộng sau khi được gắp ra ngoài.


Đáng quan tâm khi chỉ trong vài ngày qua đã có nhiều ca hóc dị vật ở trẻ nhỏ. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã tiếp nhận và cấp cứu cho 2 trường học trẻ hóc dị vật. Trường hợp thứ nhất là bé trai 16 tháng tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi ăn ổi thì bất ngờ mặt tím tái, không thở được.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị hóc dị vật đường thở dưới, viêm đường hô hấp và được chỉ định nội soi. Sau đó, bệnh nhi vẫn phải nằm viện điều trị viêm đường hô hấp.

Trường hợp thứ 2 là bé gái 2 tuổi, ngụ ở TPHCM được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì khó thở, tím tái. Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ, trước đó, mẹ cho bé ăn lúc bé đang khóc, đột ngột ho sặc, khó thở, mẹ đưa bé tới bệnh viện.

Tại khoa Cấp Cứu, bé được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng vẫn tím. Ê kíp nội soi gồm bác sĩ Hô Hấp và Tai Mũi Họng thực hiện lấy dị vật khẩn trong đêm. Dị vật được lấy ra là một con tép ở phế quản gốc trái. Sau khi dị vật được lấy ra, bé hết khó thở, rút được nội khí quản và tình trạng ổn định.

Từ trường hợp này, các bác sĩ một lần nữa cảnh báo cha mẹ phải luôn theo dõi kỹ, không để trẻ nằm ngoài tầm mắt, tầm tay của người lớn. Dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra, vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc.

Khi trẻ có dấu hiệu ho, sặc, nghi hóc dị vật phải khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế, không tự ý thò tay móc vào họng trẻ hoặc áp dụng các biện pháp truyền miệng, có thể nguy hại đến tính mạng trẻ.

https://laodong.vn/suc-khoe/bo-me-ban-don-tet-be-13-thang-tuoi-bi-hoc-hat-dau-phong-vao-phoi-1000299.ldo
 

Theo Tuệ Nhi (LĐO)

Có thể bạn quan tâm