Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bộ NN-PTNT lên "kịch bản" xấu nhất cho miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước sông ở miền Trung đang dâng rất cao, hàng loạt rốn lũ như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...đang chìm trong nước lũ; các hồ thủy điện, hồ chứa nước đã căng đầy nước, ẩn chứa thảm họa...


Chủ trì cuộc họp khẩn tại Hà Nội chiều 5-11, để chỉ đạo các giải pháp ứng phó mưa lũ sau bão số 12 diễn ra diện rộng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu phải kiểm soát chặt các hồ chứa thủy lợi và thủy điện, xây dựng các kịch bản trong đó có cả kịch bản xấu nhất để di dời dân khỏi vùng có thể xả lũ.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn chiều 5-11-2017.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn chiều 5-11-2017.

Theo báo cáo của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương tại cuộc họp khẩn, trong những ngày qua mưa lũ sau bão vẫn diễn ra dữ dội ở miền Trung, đặc biệt là tại Thừa-Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... Nhiều nơi lượng mưa lên tới hơn 600 mm như ở A Lưới (Thừa Thiên -Huế).

Dự báo trong những ngày tới lượng mưa vẫn còn tiếp diễn do ảnh hưởng tương tác của không khí lạnh và đới gió Đông kết hợp với hoàn lưu sau bão.

Trong khi đó, chủ trì cuộc họp nóng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lo lắng nói: Tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất nóng bỏng. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy diện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, một số nơi trên báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung bộ và Nam Trung bộ bị ngập lụt trên diện rộng.

“Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa”-ông Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Mưa lũ đang đe dọa tới an toàn hồ đập trên toàn tuyến từ Huế đến tận Đông Nam bộ, kể cả hồ Dầu Tiếng ở Bình Dương. Nhiều nơi đang phải xả lũ. Nếu mưa tiếp tục và tiếp diễn phải xả lũ thì sẽ tiếp tục ngập lụt diện rộng. Nếu không xây dựng phương án di dời dân đến nơi an toàn thì rất đáng lo ngại.


 

Hàng loạt thủy điện phải xả lũ
Hàng loạt thủy điện phải xả lũ



Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, để giảm thiểu thiệt hại xảy ra phải tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Các Ban chỉ huy ở các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn tinh thần phòng chống úng ngập, lũ lụt.

Đặc biệt phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất, chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Huy động tổng lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố do do xả lũ và ngập lụt.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục thành lập 3 đoàn công tác, ngay trong ngày 6-11 bay vào Đà Nẵng và các tỉnh bị ngập lụt, do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng dẫn đầu để chỉ huy các nhiệm vụ ứng phó khắc phục hậu quả lũ lụt.

Văn Phúc (sggp)

Có thể bạn quan tâm