Kinh tế

Bộ Tài chính đề xuất sửa thuế thu nhập cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Dự thảo Tờ trình sửa đổi 5 luật về thuế vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định, đơn vị soạn thảo đã bổ sung thêm phương án cho thay đổi thang bậc tính thuế TNCN từ tiền công, tiền lương từ 7 xuống 5 bậc. Các phương án được đưa ra với đánh giá cụ thể hơn, sau khi nhiều chuyên gia và người dân phản ứng với đề xuất sửa bậc thuế TNCN kiểu cơ học Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến trước đó.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, phương án 1, thu nhập chịu thuế tới 10 triệu đồng mức thuế là 5%; từ 10-30 triệu đồng mức thuế 15% (đề xuất cũ là 10%); từ 30-50 triệu đồng mức thuế 25% (đề xuất cũ là 20%); từ 50-80 triệu đồng thuế 30% (đề xuất cũ là 28%); trên 80 triệu đồng mức thuế 35%.

Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất, thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng mức thuế là 5%, từ 5-10 triệu đồng thuế 10%; từ 10-40 triệu đồng thuế 20%; từ 40-80 triệu đồng thuế 30%; trên 80 triệu đồng thuế 35%.

Bộ Tài chính đánh giá, với phương án 1, dù đáp ứng mục tiêu giảm bậc thuế TNCN và theo số chẵn, nhưng số thu ngân sách giảm khoảng 1.300 tỷ đồng/năm. Theo phương án này, cá nhân hiện có thu nhập tính thuế bậc thấp nhất (dưới 10 triệu đồng) mức thuế sẽ không đổi, trong khi cá nhân hiện nộp thuế từ bậc 2 trở lên (từ trên 10 triệu đồng) sẽ được giảm thuế so với hiện nay. Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu/tháng sẽ giảm mức đóng thuế 250.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...

Với phương án 2, Bộ Tài chính cho rằng, cá nhân đang có thu nhập chịu thuế ở 2 bậc thấp nhất (từ 10 triệu đồng trở xuống) sẽ không bị thay đổi mức đóng. Nhưng những cá nhân có thu nhập chịu thuế từ từ bậc 3 trở lên (từ 10 triệu đồng trở lên) sẽ tăng mức đóng thuế so với hiện tại.

“Mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỷ đồng/năm”, Bộ Tài chính tính toán. Bộ này dẫn chứng, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thêm 250.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng.

Từ các tính toán trên, Bộ Tài chính ưu tiên chọn phương án 2 (tăng thu cho ngân sách), và đã trình sửa đổi dự luật để Bộ Tư pháp thẩm định theo hướng này.

So sánh 2 phương án sửa đổi thuế TNCN trên của Bộ Tài chính cho thấy, nhóm thu nhập không bị ảnh hướng của cả 2 phương án là thu nhập chịu thuế dưới 10 triệu đồng. Dù ở phương án 2, do Bộ Tài chính chia nhỏ bậc thấp, nên có 2 nhóm không tác động, trong khi phương án 1 chỉ 1 nhóm không tác động. Trong khi phần giải trình về đề xuất sửa đổi thang tính thuế TNCN của Bộ Tài chính nhằm giãn cách các bậc quá hẹp hiện nay, gây khó khăn cho người dân và cơ quan thuế quyết toán thuế; và chia lại bậc thuế cho dễ nhớ. Nhưng thực tế, Bộ Tài chính cũng hướng tới mục tiêu tăng thu ngân sách, khi phương án chia thang bậc TNCN giúp tăng thu được chọn thay vì giảm thu.

Khánh Chi/tienphong

Có thể bạn quan tâm