Lễ hội Sâm Ngọc Linh 2023 (Từ ngày 1-3.8) tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam thu hút đông đảo du khách tham gia. Ảnh Hoàng Bin |
Ngay phiên chợ lần thứ 5, khai mạc sáng 1.8.2023, ban tổ chức chợ Sâm Ngọc Linh, Quảng Nam đã phát hiện hơn 2kg nghi giả sâm Ngọc Linh, khi chuẩn bị đưa vào chợ, bán.
Tại phiên chợ này, sâm Ngọc Linh được niêm yết với giá dao động từ 70 triệu đến 160 triệu đồng/1kg. Mang 2kg sâm giả vào chợ là sự vụ nghiêm trọng. Người mua có nguy cơ bị xâm hại quyền lợi kinh tế, người sử dụng không phát huy hiệu quả, thậm chí nguy hại đến sức khỏe - nếu là hàng giả. Nhưng nguy cơ mất lớn hơn đó là uy tín, thương hiệu của thủ phủ sâm Ngọc Linh.
Số lượng những củ sâm nghi giả vừa phát hiện được cho là của một doanh nghiệp đóng ngay vùng sâm Ngọc Linh - xã Trà Cang, huyện Nam Trà My. Kiểm tra sản phẩm trước khi đưa vào phiên chợ, ban kiểm định phát hiện đây không phải là sâm Ngọc Linh, nên báo với cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ, đưa đi kiểm tra, giám định.
Chỉ kết luận "nghi giả" là bởi ngay cả Ban kiểm định sâm Ngọc Linh tại phiên chợ cũng chỉ "thẩm định" bằng mắt thường. Bởi khẳng định với Báo Lao Động, Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu là cho đến thời điểm này, Quảng Nam chưa có bất kỳ thiết bị nào để kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh.
Tại phiên chợ này hằng tháng, việc mua bán, giao dịch sâm Ngọc Linh với giá trị vài chục, vài trăm triệu đồng, thậm chí có lô hàng được bán, mua hàng chục tỉ đồng, đã diễn ra sôi động. Nhưng tất cả chỉ dựa vào sự "thẩm định" trực quan, bằng kinh nghiệm của doanh nghiệp, người dân trồng sâm tại địa phương. Với người mua sâm, thì phần lớn chỉ dựa vào... niềm tin.
Đây cũng chính là nguyên nhân, là "cơ hội" để xảy ra liên tiếp các vụ việc liên quan đến vận chuyển, mua bán, quảng cáo sâm và các sản phẩm lá, quả... sâm Ngọc Linh giả - đang tràn lan cả nước.
Thậm chí, đã xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp công khai mở cửa hàng, bán các sản phẩm cho là từ sâm Ngọc Linh, nhưng hoàn toàn không có vườn sâm, không chứng minh được nguồn gốc mua sâm từ 5 huyện, 16 xã có chỉ dẫn địa lý trồng sâm Ngọc Linh ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Sản phẩm có giá trị cao cả về tính dược và kinh tế như sâm Ngọc Linh, được công nhận là sản phẩm Quốc gia, nhưng việc kiểm định chất lượng chỉ dựa theo kinh nghiệm, quan sát trực quan như hiện nay ở Quảng Nam, thì bảo sao thị trường không loạn.
Các thiết bị tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN, kiểm định thành phần hoạt chất sinh học Saponin của sâm Ngọc Linh, hiện có giá vài chục tỉ đồng. Tuy nhiều tiền, nhưng không quá đắt so việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, với uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Hiện đang có một ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi Hiệp hội sẽ góp phần giúp sâm Việt Nam nói chung và sâm Ngọc Linh hình thành được chuỗi giá trị từ nghiên cứu khoa học đến sản xuất giống, thu mua, sản xuất chế biến và thương mại...
Tuy vậy, thành viên của Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam cũng không thể thiếu người ở vùng trồng sâm Ngọc Linh - như cách đề xuất của ông Võ Kim Cự, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Tập đoàn Y Dược sâm Ngọc Linh (trụ sở tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), đang bị các địa phương Quảng Nam và Kon Tum bất đồng.
Quản lý, thực hiện chuỗi giá trị của sâm Ngọc Linh không thể từ xa, chỉ "trên giấy", với toàn "người lạ" như đề xuất thành lập Hiệp hội này. Cũng giống như việc mua bán, thẩm định sâm, không thể chỉ dựa vào phán đoán, kinh nghiệm cá nhân hoặc bằng niềm tin đang diễn ra tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh, Quảng Nam.