Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Bố trí Công an xã chính quy: Chủ trương đúng, hiệu quả cao - Kỳ cuối: Xây dựng Công an xã chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lực lượng Công an xã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Bằng sự nỗ lực, trách nhiệm, họ đang là điểm tựa giữ bình yên cho người dân trong cuộc sống.

Thích ứng linh hoạt

Nằm trong trụ sở UBND xã, căn nhà làm việc của Công an xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) chỉ rộng vỏn vẹn 24 m2, được chia làm 3 khu vực: tiếp dân, giải quyết công việc và chỗ nghỉ. Nơi tiếp dân có vách ngăn, mỗi lần chỉ có thể tiếp đón tối đa 2 người. Nơi họp bàn giải quyết công việc đặt một bàn dài với 4 chiếc ghế. 9 m2 còn lại là chỗ nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an xã với 1 giường tầng, 2 giường đơn và 1 tủ treo đồ.

Tại Công an xã Ia Ko (huyện Chư Sê), điều kiện cơ sở vật chất cũng không khá hơn là mấy. 5 cán bộ Công an xã làm việc trong một căn phòng chừng 35 m2. Hôm chúng tôi đến, trời nắng nóng, 3 cây quạt hoạt động hết công suất mà ai cũng vã mồ hôi. Ông Rơ Mah Sơ-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Ko-cho biết: “Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho lực lượng Công an xã. Tuy nhiên, Ia Ko hiện là xã vùng II, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương hạn chế nên chỉ bố trí được 1 phòng làm việc và 1 phòng nghỉ cho anh em Công an chính quy. Hiện cấp ủy, chính quyền địa phương đã bố trí vị trí đất xây dựng trụ sở cho Công an xã. Chúng tôi cũng đang kiến nghị cấp trên nhanh chóng triển khai xây dựng trụ sở để Công an xã có nơi làm việc, nghỉ ngơi rộng rãi hơn, người dân đến liên hệ công việc cũng thuận lợi”.

Cán bộ Công an xã nêu ý kiến đề xuất tại hội nghị đối thoại do Công an tỉnh tổ chức. Ảnh: Thúy Trinh

Cán bộ Công an xã nêu ý kiến đề xuất tại hội nghị đối thoại do Công an tỉnh tổ chức. Ảnh: Thúy Trinh

Một điểm chung là dù diện tích chật hẹp nhưng mọi thứ ở nơi làm việc của Công an xã được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Nhiều cửa sổ được trổ ra để thoáng mát hơn, tận dụng tối đa ánh sáng trời. Cán bộ, chiến sĩ Công an các xã luôn biết cách thích nghi với hoàn cảnh để cùng với cấp ủy, chính quyền, Công an cấp trên từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thượng tá Nguyễn Văn Hào-Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho hay: “Hiện Công an 14 xã trên địa bàn huyện đã được bố trí làm việc chung trong trụ sở UBND xã. Riêng Công an thị trấn Chư Sê đang mượn trụ sở cũ của Tòa án nhân dân huyện để làm nơi làm việc. Tuy nhiên, ngôi nhà này cũng đã xuống cấp. Công an huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn hoàn thành hồ sơ cấp đất cho Công an 15 xã, thị trấn; khởi công xây dựng 2 trụ sở Công an xã với kinh phí mỗi trụ sở 1 tỷ đồng và đang tiếp tục đề xuất xây dựng cho các xã, thị trấn còn lại”.

Còn Thượng tá Ê Ban Chí-Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai thì thông tin: “Mỗi cán bộ Công an chính quy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực, nhưng khi về xã thì tiếp nhận nhiều đầu việc nên phải tự khắc phục, học hỏi lẫn nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, chế độ thông tin, báo cáo đang được chuyển qua hệ điều hành, trong khi đó, Công an các xã còn thiếu máy fax và các thiết bị khác để kết nối mạng nội bộ... Trước những khó khăn đó, lực lượng Công an cấp xã đã thích ứng linh hoạt, thể hiện bằng những chuyển biến rõ nét về ANTT trên địa bàn”.

Cấp ủy, chính quyền tích cực vào cuộc

Chủ trương đầu tư, xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, vững mạnh, toàn diện nhận được sự đồng hành và vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là bảo đảm các điều kiện tối thiểu để phục vụ hoạt động cho lực lượng này. Tính đến tháng 5-2023, Công an 196/196 xã, thị trấn đã được bố trí quỹ đất phù hợp, Công an 75 xã, thị trấn có trụ sở làm việc độc lập. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2023, Công an 105 xã, thị trấn sẽ có trụ sở độc lập (chiếm 53,57%). Cùng với đó, Công an tỉnh đã đề xuất Bộ Công an bổ sung các trang-thiết bị, phương tiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu cho lực lượng Công an xã. Hiện Công an các xã, thị trấn được cấp 67 xe ô tô, 399 mô tô.

Nằm ở địa bàn biên giới, Công an xã Ia O (huyện Ia Grai) được Bộ Công an đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng trụ sở gồm 3 phòng làm việc, 1 phòng nghỉ, 1 bếp ăn và công trình phụ; cấp 1 xe ô tô, 3 xe mô tô chuyên dụng. Đại úy Trần Viết Hùng-Trưởng Công an xã-phấn khởi cho biết: “Đảng ủy, UBND đã quy hoạch, bàn giao đất xây dựng trụ sở Công an xã với diện tích 1.920 m2. Chúng tôi chuyển về trụ sở mới làm việc được hơn 2 tháng, đang đợi mưa xuống để trồng cây xung quanh nhằm tạo môi trường làm việc xanh-sạch-đẹp”.

Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí còn hạn chế nên toàn tỉnh vẫn còn 121 đơn vị Công an xã chưa có trụ sở riêng. Các đơn vị này được bố trí các phòng làm việc trong trụ sở UBND cấp xã hoặc mượn các cơ sở làm việc thuộc cơ quan quản lý cấp huyện. Về nhà ở doanh trại, 187 đơn vị Công an xã, thị trấn được bố trí diện tích ăn, nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ. Song trong số đó còn 13 đơn vị Công an xã chưa bố trí đủ diện tích. Bên cạnh đó, trang-thiết bị, phương tiện phục vụ công tác theo tiêu chuẩn định mức của Công an xã hiện nay còn thiếu nhiều, nhất là những trang-thiết bị nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; máy photocopy, fax, scan…

Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: “Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh luôn quan tâm, chia sẻ với lực lượng Công an xã và nghiên cứu, đề xuất để từng bước giải quyết những khó khăn, bất cập. Ngày 30-5 vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tổ chức đối thoại với Trưởng Công an cấp xã; lắng nghe, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Công an cấp xã trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng; động viên lực lượng Công an cấp xã tiếp tục nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mới đây, chúng tôi đã báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về những kiến nghị xây dựng trụ sở Công an xã, kinh phí, phương tiện… Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, xây dựng trụ sở làm việc, nhà ở, doanh trại cho Công an các xã, thị trấn. Mục tiêu đến năm 2025 quyết tâm hoàn thành xây dựng trụ sở cho 100% đơn vị Công an cấp xã”.

Tự hào là Công an xã

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, chiến sĩ Công an cấp xã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện theo phương châm lựa chọn những người đủ năng lực, trình độ, có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác ở cơ sở. Đến nay, 100% Công an cấp xã đã thành lập chi bộ; 190 bí thư chi bộ, Trưởng Công an xã tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Nhằm nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh phối hợp các trường đại học, học viện Công an nhân dân mở 5 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 462 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Công an xã, thị trấn; trong đó có 1 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho 194 học viên.

Công an xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê về với buôn làng. Ảnh: Thúy Trinh

Công an xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê về với buôn làng. Ảnh: Thúy Trinh

Địa bàn rộng trong khi biên chế của lực lượng Công an chính quy có hạn nên hơn 1.366 Công an viên bán chuyên trách đang tham gia công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở chính là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an. Anh Kpă Plun-Công an viên làng O Grưng (xã Ia Ko) chia sẻ: “Được bà con tín nhiệm, tôi thường xuyên phối hợp với Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ, nhất là tuần tra, kiểm soát địa bàn ban đêm. Hiện nay, tình trạng thanh-thiếu niên tụ tập quậy phá, gây rối, trộm cắp tài sản đã giảm hẳn. Tôi rất vui và tự hào khi được cùng Công an chính quy giữ gìn ANTT ở cơ sở”.

Chuyên nghiệp, bài bản nhưng cũng phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý công việc để bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, cán bộ Công an xã chính quy cần trang bị một tinh thần “thép”, sự kiên trì, bền bỉ và lòng quyết tâm cao độ. Để làm được điều đó, họ bắt đầu từ việc làm quen với người dân cơ sở-một việc không hề dễ dàng. Ông Kpă Bình là người có uy tín ở làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm), cũng là Chấp sự điểm nhóm Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam của làng với 232 tín đồ. Qua cuộc chuyện trò với ông, chúng tôi hiểu rằng sự hiện diện của cán bộ Công an chính quy đã từng là điều gì đó rất lạ lẫm đối với bà con.

Ông Bình kể: “Hồi cán bộ Công an chính quy mới về xã, bà con thấy người lạ thì xấu hổ, không chịu nói chuyện, nhất là những người từng theo FULRO hay vượt biên. Nhờ cán bộ siêng về làng, giúp việc này, việc kia, bây giờ bà con mến lắm, hiểu rằng Công an đến để bảo vệ dân làng. Những người lầm lỡ năm xưa cũng xem Công an xã như điểm tựa; có đồ ăn, thức uống gì ngon là đem tặng cán bộ. Tôi cũng thường xuyên cùng Công an xã tuyên truyền bà con trong các buổi họp thôn, các đợt sinh hoạt tôn giáo là phải kính Chúa, yêu nước; sống tốt đời, đẹp đạo; không được nghe lời kẻ xấu xúi giục theo FULRO, “Tin lành Đê ga”, vượt biên”.

Xuyên suốt ở những cán bộ Công an xã chính quy mà chúng tôi gặp là một tinh thần sôi nổi, lạc quan, tin tưởng, quyết tâm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng. Nhưng đâu đó trong họ vẫn có những phút trầm tư khi nghĩ về gia đình. Công an xã biên giới Ia O có 8 cán bộ, trong đó chỉ có 2 cán bộ là người tại chỗ. Còn lại, 3 người nhà ở thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai), cách nơi công tác gần 50 km; 2 người ở huyện Chư Sê, Đak Đoa; xa nhất là một cán bộ ở huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các anh rất cần một hậu phương vững chắc.

Là vợ Đại úy Trần Viết Hùng-Trưởng Công an xã, chị Lê Thị Kim Anh trải lòng: “Năm 2019, khi chồng tôi được bố trí công tác ở xã biên giới xa xôi thì tôi sắp sinh cháu thứ hai, cháu đầu mới 5 tuổi. Chồng ở xa, tôi cũng đi dạy học cách nhà 30 cây số, việc chăm sóc các cháu vất vả lắm. Đêm hôm con nhỏ đau ốm chỉ có tôi lo vì anh ấy bận trực, không về được. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Bây giờ thì Công an xã chính quy đã về biên giới đông hơn, con chúng tôi cũng đã lớn. Tôi dạy cho các cháu biết tự lập khi ba mẹ vắng nhà. Các cháu còn rất tự hào vì có ba làm Công an xã!”.

Có thể bạn quan tâm