Giáo dục

Tin tức

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có buổi gặp gỡ với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành. Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trung ương với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và trường đại học trên cả nước.

Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự chương trình tại điểm cầu Hội trường 2-9 có các Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Nguyễn Văn Long, Bùi Khoa Nghi; lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở, các trường THPT trực thuộc Sở trên địa bàn thành phố và Phòng GD-ĐT TP. Pleiku. Ngoài ra, chương trình cũng được kết nối đồng thời đến 376 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các bậc học cùng tham gia.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: M.T (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: M.T (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)

Theo báo cáo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong thời gian 2 tháng trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra, Công đoàn ngành đã tập hợp được hơn 6.200 ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học và giảng viên gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Hầu hết ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: vướng mắc trong công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chế độ chính sách nhà giáo, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp và điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên; tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Tại sự kiện, các nhà giáo thuộc một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt trong cả nước đã trực tiếp nêu lên những tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình công tác. Tất cả ý kiến tâm huyết đó đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ghi nhận, chia sẻ và giải đáp kịp thời theo từng nhóm vấn đề.

Kết luận buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về trách nhiệm, những điều tâm huyết của mình khi được giao phó trọng trách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Một trong những mong muốn của ông là được gặp gỡ rộng rãi với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành, song do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên đến nay mới thực hiện được.

Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự ủng hộ đối với lãnh đạo Bộ, với những quyết sách của Bộ GD-ĐT và tinh thần nỗ lực vượt khó và những đóng góp to lớn của các nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục; đặc biệt là trong thời gian vừa phòng-chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo hoàn thành các mục tiêu lớn của ngành, trong đó có đổi mới giáo dục.

Theo Bộ trưởng, gần 1,6 triệu nhà giáo của cả nước là lực lượng hùng hậu, là nguồn nhân lực quý để thực hiện mục tiêu to lớn, vẻ vang mà ngành Giáo dục được giao phó. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành. Lãnh đạo Bộ sẽ làm mọi việc, mọi giải pháp để phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo.

Quang cảnh tham dự chương trình tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: M.T
Quang cảnh tham dự chương trình tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: M.T

Thời gian đến, Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát các chính sách và đẩy nhanh xây dựng Luật Nhà giáo nhằm đem lại chuyển biến tích cực về thể chế. Bộ cũng sẽ làm nhiều việc để cho 2 khối giáo dục công lập và tư được bình đẳng trong thực tế; tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành về tăng phụ cấp ưu đãi, nâng thu nhập cho đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất giáo dục và chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; điều chỉnh Nghị định 116 trong đào tạo lực lượng giáo viên; sửa đổi Thông tư 16 về tỷ lệ giáo viên, học sinh; tăng cường chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phát triển hệ thống các trường đại học sư phạm…

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn đội ngũ nhà giáo cả nước tiếp tục thực hiện thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là cơ hội và là bước tiến của ngành, là chỗ dựa cho sự phát triển giáo dục. Các nhà giáo phải tự đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức đến phương pháp, không sợ hãi càng không nên nóng vội; cần thay đổi quan niệm về từng môn học và vị trí của từng môn học, cách sử dụng sách giáo khoa; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá ở từng môn và không loại trừ bất cứ môn học nào; điều chỉnh thói quen trong chuyên môn lẫn trong sinh hoạt tập thể; đồng thời, chú trọng công tác truyền thông giáo dục, ứng xử trên mạng xã hội…

Gửi thông điệp đến đội ngũ nhà giáo cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chúng ta cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành; kiên trì thuyết phục, vận động phụ huynh và xã hội cùng chia sẻ, đồng hành với ngành; kiên quyết chống biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người; kiên trinh với nghề giáo và vượt qua khó khăn thi đua dạy tốt-học tốt.

Theo chương trình, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục gặp gỡ với giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học.

Có thể bạn quan tâm