Làm việc với đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; Ban Giám đốc Sở KH-CN và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Hoạt động KH-CN có nhiều khởi sắc
Giai đoạn 2020-2024, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành KH-CN tham mưu lựa chọn, quyết định phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển bền vững, lấy KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định nhiệm vụ KH-CN là hỗ trợ, phục vụ các ngành kinh tế, kỹ thuật phát triển.
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải cho hay: Thời gian qua, hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của Bộ KH-CN để triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ KH-CN đạt được những kết quả tích cực, góp phần thu hút các nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện các hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh đang theo dõi, quản lý 2 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia thuộc Chương trình Quỹ gen, 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương cấp quốc gia; thực hiện 1 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; theo dõi, quản lý và hướng dẫn các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện 14 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi |
Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Chương trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện đối với Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá, Đá cũ An Khê thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp bộ; đồng thời, đề xuất 6 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia gửi Bộ KH-CN xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cũng theo Giám đốc Sở KH-CN, giai đoạn 2020-2024, ngành KH-CN tỉnh quản lý triển khai thực hiện 41 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh; triển khai thực hiện 23 nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ cấp tỉnh hầu hết được thực hiện theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu của sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh sau khi hoàn thành.
Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp KH-CN và 44 tổ chức hoạt động KH-CN. Công tác quản lý và hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ đã từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống.
Gỡ khó cho địa phương
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN và đổi mới sáng tạo; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và 8 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi |
Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ KH-CN sớm có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, triển khai nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở và cấp tỉnh để làm cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ KH-CN của địa phương; nghiên cứu, cải tiến chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN, hỗ trợ liên kết hợp tác đầu tư nghiên cứu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mới; có quy định cụ thể trong việc hình thành và công nhận các loại hình đầu tư tại địa phương để hỗ trợ cá nhân, tổ chức khởi nghiệp; có cơ chế trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang-thiết bị để hình thành và hoạt động các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khu làm việc chung…; nghiên cứu cơ chế, chính sách cho việc nhân rộng mô hình là các kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu; tiếp tục hỗ trợ địa phương trong tìm kiếm, chuyển giao, tư vấn công nghệ và các chuyên gia trong lĩnh vực KH-CN…
Điểm lại một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ của Bộ KH-CN trong chiến lược quản lý, khai thác nguồn dược liệu quý hiện có trên địa bàn để xây dựng thành các sản phẩm tốt phục vụ chăm sóc sức khỏe cũng như “gỡ vướng” trong phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng KH-CN vào sản xuất với việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định tầm quan trọng và giá trị của hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê và cho rằng, nhiệm vụ khai quật, nghiên cứu và tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích này là vô cùng cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề xuất với đoàn công tác một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia. Ảnh: Hồng Thi |
Trên cơ sở báo cáo và ý kiến của tỉnh, các thành viên trong đoàn công tác Bộ KH-CN đã tập trung trao đổi để gỡ khó cho địa phương. Liên quan đến 8 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ mà tỉnh đề xuất, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Nguyễn Nam Hải kiến nghị: “Tỉnh Gia Lai nên xác định thứ tự ưu tiên trong số các nhiệm vụ đã đề xuất, vừa tạo điều kiện cho Bộ cân đối phân bổ nguồn lực phù hợp, vừa đảm bảo tính khả thi khi triển khai”.
Đối với đề xuất liên quan đến nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu và tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê trên địa bàn tỉnh Gia Lai, năm 2023-2028” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên Trần Quốc Cường cho rằng, đây là nhiệm vụ lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành.
Do đó, Bộ KH-CN cần thiết thành lập tổ công tác để phối hợp với tỉnh Gia Lai cùng thực hiện. Tỉnh cũng cần có đề xuất, xác định các nội dung trọng tâm gắn với xây dựng hồ sơ thuyết minh cụ thể để quá trình khảo sát, nghiên cứu được nhanh chóng và có hiệu quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trên lĩnh vực thông tin, Cục trưởng Cục Thông tin KH-CN quốc gia Trần Đắc Hiến khẳng định: “Cục sẽ sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh Gia Lai để tổ chức điều tra đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đây là nguồn thông tin đầu vào rất quan trọng cho lãnh đạo tỉnh trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH-CN trên địa bàn”.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: H.T |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo của Sở KH-CN tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương. Những kết quả quan trọng đó đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Để thúc đẩy hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ngành KH-CN.
Trong đó, tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo và tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo; cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương thành chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ hơn 1,5% tiệm cận dần đến 2% của ngân sách nhà nước chi cho KH-CN trong tổng chi ngân sách nhà nước hiện nay; bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực, củng cố bộ máy giúp việc KH-CN.
Thực hiện đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN như: tập trung triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách về KH-CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH-CN; liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực KH-CN; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư và phát triển liên quan đến KH-CN…
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt (thứ 2 từ trái sang) trao tặng phần quà cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: H.T |
Ngoài ra, tỉnh cần tập trung các nguồn lực để triển khai, định hướng phát triển lĩnh vực KH-CN chủ yếu như: nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động chăn nuôi, dược liệu, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu; ứng dụng chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm an toàn, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, phối hợp với địa phương để sớm gỡ khó từng nội dung. Đối với 8 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ mà tỉnh đề xuất, Bộ trưởng Bộ KH-CN giao cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, báo cáo cho lãnh đạo Bộ phương án xử lý và phân tích để phối hợp với địa phương.