Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bộ trưởng Bộ Y tế: Ưu tiên phân bổ vắc xin Covid-19 trước cho 13 tỉnh, thành phố có dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 6-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc. Hội nghị được kết nối với hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Tại điểm cầu Gia Lai, tham dự hội nghị có ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh; lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
 

 Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện


Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vắc xin Covid-19 là nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Trong lịch sử phát triển vắc xin, đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu ở một số vắc xin, thời gian bảo vệ có khác nhau…

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 là có thể vì không vắc xin nào đảm bảo an toàn 100%; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh song song với việc nhập khẩu vắc xin, Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin Covid-19 trong nước để đảm vấn đề an ninh y tế vắc xin.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong tháng 3, dự kiến sẽ có khoảng 1,3 triệu liều vắc xin được nhập về Việt Nam. Đến tháng 4, tháng 5, nguồn cung sẽ tăng lên. Do đó, không thể phân bổ vắc xin cho 63 địa phương mà ưu tiên trước cho 13 tỉnh, thành phố có dịch, nhất là điểm nóng Hải Dương. Dự kiến, ngày 8-3 sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng-chống dịch.  


Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành Y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế, vừa nhanh chóng nhận được phản ánh của người dân về những bất lợi sau tiêm. Quá trình tiêm sẽ triển khai khám sàng lọc trước dù việc này mất nhiều thời gian hơn nhưng đảm bảo an toàn nhất cho người dân. Việc sàng lọc sẽ được thiết kế tối giản trên phần mềm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong năm 2021, Việt Nam sẽ cố gắng đảm bảo đủ vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết 21. Trong tháng 3, lượng vắc xin chưa nhiều, người dân cần hết sức bình tĩnh, khi có những lô tiếp theo ngành Y tế sẽ tiêm ngay.

Do lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vắc xin mới, Bộ trưởng Y tế cho rằng, công tác truyền thông rất quan trọng để giúp người dân nhận thức rõ về lợi ích của việc tiêm vắc xin, có niềm tin với vắc xin. Song song với tiêm chủng, chúng ta phải thực hiện biện pháp phòng-chống dịch đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, vắc xin phải kết hợp với 5K. Có như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 mới thành công.
 

NHƯ NGUYỆN

 

Có thể bạn quan tâm