Phát biểu tại hội nghị tuyển sinh đại học 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ không có ý định biến quy chế tuyển sinh thành quy chế hoạt động của trung tâm khảo thí độc lập, trong quy định về tổ chức thi riêng.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ trì hội nghị về tuyển sinh 2020 - Ảnh Thu Minh |
Nhiều tranh cãi về điều kiện tổ chức thi riêng
Sáng nay, 8.5, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu về công tác tuyển sinh năm 2020. Ngay trước khi diễn ra hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng đã kịp thời chính thức ban hành quy chế Tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc về những động thái liên tục thay đổi phương án thi tuyển sinh của nhiều cơ sở đào tạo trong thời gian qua, để yêu cầu rút kinh nghiệm với dù “việc đã qua rồi”. Theo ông Nhạ, những thông báo về chủ trương liên quan tới tuyển sinh thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội của khối giáo dục đại học đối với người dân, với học sinh, với phụ huynh, tránh tình trạng phương án tuyển sinh thay đổi xoành xoạch như vừa qua.
Ông Nhạ cũng chia sẻ, về phía Bộ GD-ĐT, để hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT mất rất nhiều thời gian. Bản thân ông Nhạ có nhiều đêm không ngủ được. Bộ trưởng và các cán bộ tham mưu đã phải đọc rất nhiều, nghe phản ánh rất nhiều đều đưa ra phương án cuối cùng. Trong đó, việc thảo luận được tập trung vào điều 12, là điều quy định về việc tổ chức thi tuyển sinh riêng của các trường.
Ông Nhạ nói: “Về tuyển sinh riêng, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm, phải có quy định để đảm bảo trước hết chất lượng các hoạt động theo quy định của pháp luật, bên cạnh đó là phải đảm bảo công bằng, khách quan minh mạch và an toàn của những người tham gia kỳ thi, bình đẳng giữa các trường với nhau”.
Theo ông Nhạ, đúng là Bộ đang có lộ trình để việc thi là việc của các trung tâm khảo thí độc lập. Nhưng nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, điều kiện cơ sở và các thứ không thể như các nước phát triển, nên phải từng bước để đưa hoạt động thi cử vào chuẩn mực. Do đó, trong quá trình này, không phải cứ mang điều kiện nước ngoài ra áp vào ta.
“Vì thế, tôi cũng đề nghị ban soạn thảo, quy chế tuyển sinh này không phải là quy chế về hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập. Đây chỉ là quy định, trong đó có những chuẩn mực cơ bản để các trường tổ chức thi thực hiện”.
Giảm bớt điều kiện tổ chức thi riêng
Về cơ bản, các quy định về tuyển sinh đại học năm nay vẫn ổn định như năm 2019. Nội dung mới chủ yếu bổ sung quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh. Ông Phụng Xuân Nhạ trao đổi tại hội nghị, đây là nội dung khi đang là dự thảo gây nhiều tranh cãi do các quy định của dự thảo được cho là quá ngặt nghèo, gây khó cho các trường muốn tuyển sinh riêng, kể cả những trường hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học trong nước.
Theo quy chế vừa được ban hành, ngay cả tên gọi điều 12 (quy định về nội dung nói trên) cũng đã được thay đổi. Tên gọi của điều 12 dự thảo phiên bản ngày 29.4 là bảo đảm chất lượng với các kỳ thi do các trường tổ chức riêng, còn ở quy chế vừa được ban hành, tên gọi của điều 12 chỉ đơn giản là tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh.
Trong nội dung của điều 12, với quy chế vừa ban hành, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh một số điều kiện để tổ chức thi riêng theo hướng giảm bớt để phù hợp với năng lực của các cơ sở đào tạo, phù hợp với điều kiện, mục tiêu tuyển sinh năm nay, đồng thời đảm bảo tính khả thi của quy chế.
Theo đó, các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, phải tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chất lượng sau:
Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh (sau đây gọi chung là bộ phận chuyên trách).
Đảm bảo về cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
Xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh đại học; công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày. Nội dung các câu hỏi thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông.
Đảm bảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi và phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi.
Đã ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan đến các nội dung: công tác chuẩn bị cho kỳ thi; tổ chức đăng ký dự thi; công tác đề thi và quy trình bảo mật đề thi; công tác coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, chấm thẩm định; chế độ báo cáo và lưu trữ; xử lý các sự cố bất thường, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Quy chế thi tuyển sinh của trường do hiệu trưởng ký ban hành, không được trái với các quy định tại quy chế này và phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT ít nhất trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.
Đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và hình thức tổ chức thi.
Có đề án tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh của trường, trong đó thể hiện đầy đủ các thông tin và minh chứng về việc đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng để tổ chức kỳ thi. Đề án tổ chức thi tuyển sinh phải được công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi, đồng thời gửi về Bộ GD-ĐT để báo cáo. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kỳ thi.
Theo Quý Hiên (thanhnien)